Mẹ Ngộ

Năm đó là khoảng năm 1992, tôi lúc đó mới tầm 7-8 tuổi, ngây thơ ngơ ngác như một chú bê con chẳng biết gì. Mẹ đi Nga học tiến sĩ, bố bỏ đi theo mẹ để làm ăn, tôi ở nhà một mình với bà nội, mỗi tuần lại chạy qua chạy lại giữa hai nhà nội ngoại. Thành ra, nhờ khoảng thời gian này mà tôi vô tình lại rất gắn bó, cũng có rất nhiều kỉ niệm tuổi thơ tuyệt vời ở nhà bà ngoại. 

Hà Nội những năm đầu 90 thật lạ. Nhà bà nội và nhà bà ngoại của tôi chỉ cách nhau có tầm 10 phút đi xe đạp, nhưng lại như hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Nhà bà nội là một căn biệt thự Pháp cổ nằm trên một con phố nhỏ, sạch sẽ và yên tĩnh, bên ngoài phủ một lớp sơn màu vàng nắng đã bạc, bên trong lại tuyền một màu sơn xanh nhạt, phối hợp với màu sơn xanh lá đậm của những cánh cửa ra vào và cửa chớp, xinh đẹp và điệu đàng như một nàng tiểu thư cảnh vẻ. Vậy nhưng chỉ đi qua vườn hoa Pasteur, qua thêm một khu chợ Lê Quý Đôn, chui qua bên dưới một cái hầm cầu vượt là đến khu phố Vân Đồn, khi đó vẫn còn là đường đất chứ chưa được đổ đường nhựa, một khu phố nhà nghèo ngay sát bờ sông với những mái nhà thấp tè lụp xụp, bẩn thỉu và tạm bợ. Ở gần cuối con đường này, đoạn gần rẽ ra Bạch Đằng, chính là nhà bà ngoại. 

So với cả khu phố, có thể nói nhà bà ngoại khi đó có lẽ vẫn là một trong những căn nhà khang trang, tươm tất nhất. Dù sao nhà cũng xây bằng gạch kiên cố, có hẳn hai tầng, và có mái ngói hẳn hoi. Nếu nhà bà nội đã dùng nước máy, thậm chí có hẳn phòng toilet riêng, có bồn rửa mặt, có vòi sen, có bồn toilet kiểu Tây bằng sứ màu hồng rất đỏm, thì nhà bà ngoại vẫn sinh hoạt bằng những cái chậu xung quanh một cái giếng nước trong sân. Điều kì diệu của những đứa trẻ chính là, chúng chẳng biết cái gì cả. Nhớ lại khi đó, tôi hoàn toàn không cảm thấy có gì khác biệt giữa việc tắm bằng vòi hoa sen và tắm bằng từng gáo nước múc lên từ cái giếng. Tôi thậm chí còn cảm thấy nước giếng mát hơn, trong hơn. Tôi còn đặc biệt thích nhà bà ngoại vì nhà bà có khu vườn rất rộng ở phía đằng sau, trồng hai cây ổi rất to, một cây doi, một cây mít, một cây hồng xiêm. Tuy hồi bé nhát cáy chẳng dám leo cây, nhưng tôi vẫn rất thích được ăn ổi mỡ bác tôi hái xuống, hay lang thang trong vườn của bà để bắt chuồn chuồn kim. So với nhà bà nội chỉ có một cái ban công và một cái sân thượng thì đúng là nhà bà ngoại ăn đứt rồi. 

Nhà bà ngoại còn nằm kẹp giữa hai nhà hàng xóm có tên rất thú vị, ở bên phải là nhà bà Tĩnh, còn ở bên trái lại là nhà bà Tịnh. Trong kí ức tuổi thơ non nớt của tôi, bà Tĩnh đáng yêu, đáng mến bao nhiêu, thì bà Tịnh lại đáng sợ, đáng ghét bấy nhiêu. Chúng tôi – cũng tức là tôi và con chị họ kém tôi 1 tuổi con nhà bác tôi – ngày nào cũng sang nhà bà Tĩnh chơi, nhưng nhà bà Tịnh thì tuyệt đối không bao giờ bén mảng. Nhìn bà vừa già, vừa xấu, mặt thì rõ là nhăn nheo, mà lúc nào cũng cau có khó chịu. Bà còn có một ông chồng, già hơn cả bà, và khó chịu hơn cả bà. Chúng tôi chỉ chơi loanh quanh trên hè đường trước cửa nhà bà mà cả ông cả bà mang chổi ra đuổi, kêu chúng tôi ồn ào. Kể từ đó tôi rất, rất ghét ông bà Tịnh. 

Đối với tôi của những ngày còn bé, bà nội thì là bà nội thôi, nhưng bà ngoại thì lại giống một bà tiên vậy, vô cùng hiền từ, vô cùng thiện lương, cũng vô cùng tốt bụng. Bà là bác sĩ sản và phụ khoa, quanh năm đi khám phụ khoa và đỡ đẻ miễn phí cho đám phụ nữ nghèo trong khu phố. Thế nên ai ai cũng yêu quý bà, thậm chí biết ơn bà. Bà cũng vậy, đối với ai cũng rất dịu dàng. Ấy vậy mà bà cũng không thích bà Tịnh. Bà bảo, bà Tịnh là một bà già ki bo, kẹt xỉ, xấu tính, sống bo bo chỉ biết mỗi mình chẳng biết đến ai khác, nên bà không thích. Thế là tôi lại càng không thích bà Tịnh. 

Vậy nhưng, một diều kì diệu khác của những đứa trẻ trong sáng như tờ giấy trắng chính là, chúng nhớ tất cả. Tôi những tưởng một nhân vật vốn đã mờ nhạt, lại chẳng được yêu thích như bà Tịnh, thì hẳn là đã bị xoá sổ khỏi trí nhớ của tôi từ lâu rồi. Vậy mà hoá ra là không, chỉ cần nghe thấy hai chữ “bà Tịnh”, là bao nhiêu kí ức tuổi thơ của tôi lại ào ạt tràn về. 

Đó là một lần tụ họp của bên gia đình nhà ngoại, hẳn là một ngày giỗ nào đó, cách đây chừng chục năm. Lúc này tôi đã ngoài ba mươi, kí ức của những năm 1992 đã cách tôi cả hơn 20 năm. Bác dâu tôi đột nhiên nhắc đến bà Tịnh. 

Này, bà Tịnh mất rồi đấy. Bác dâu tôi nói với mẹ tôi và cả bác gái và dì nữa, khi mấy người phụ nữ họ đang ngồi bóc bưởi và uống trà trên cái sập gụ nhà bác. Tôi đang loanh quanh ở gần đó vô tình nghe được. 

Hôm nọ em với anh Tuấn vừa đi đám tang. Bác lại tiếp tục kể trong sự háo hức hóng chuyện của đám phụ nữ xung quanh. Mà đi đám tang của bà ý mới biết được một chuyện vô cùng ngạc nhiên nhé. 

Như nào? Bác gái cả nhà tôi, nữ hoàng hóng chuyện chợ Hôm lập tức bắt sóng. 

Bà Tịnh hoá ra cực kì thú vị. Nghe giọng bác là biết câu chuyện không thể ngắn rồi nên cả mấy người đều ngồi im nghe bác kể tiếp. Tôi cũng im lặng xán lại gần. 

Mọi người có biết là ông Tịnh có rất nhiều con rơi ở khắp nơi trên toàn quốc không? Giọng bác dâu đầy bí hiểm. 

Ôi thế á? Như thế nào cơ? Vẫn là bác gái cả nhà tôi tiếp chuyện bằng cái giọng thánh thót giả tạo đặc trưng của những cô hàng dưa lê. 

Thì ngày xưa ông Tịnh là chuyên lái xe chở lương thực cho chiến trường miền Nam không. Cũng vì chở lương thực nên mới quen và lấy bà Tịnh làm mậu dịch đó. Nhưng lấy nhau xong thì ông Tịnh vẫn chạy xe chở lương thực, và mỗi lần đi là cả mấy tháng trời á. Và thế là mỗi nơi anh dừng chân, anh lại để lại một đứa. Nghe nói đâu là ông có đến 15 đứa con rơi khắp đất nước đấy. Choáng chưa?

Ối giới ôi thế cơ à? Lần này thì đến dì tôi xen vào. Dì tôi trước làm phòng phát hành của một nhà in, cũng là một tay buôn dưa lê cấp quốc gia chứ chẳng đùa!

Thế bà Tịnh có biết không? Bác tôi hỏi trúng ngay vấn đề. 

A ha, thế này mới là choáng nhé. Hôm nọ em đi đám tang bà Tịnh, cộng cả 3 đứa con chung của ông bà Tịnh là đủ 18 người mặc áo xô khóc mẹ nhé. Đủ cả 15 đứa con rơi của ông Tịnh về để tang bà, khóc bà như khóc mẹ đẻ luôn. 

Cái gìiiiiiiiiiiiiii? Giọng bác gái cả nhà tôi chợt cao vút lên một tông, thể hiện một sự ngạc nhiên rõ rệt. 

Choáng chưa? Bác dâu tôi tay vẫn đưa lên mồm cắn hạt dưa toanh toách, vẻ khoái chí ra mặt vì đã có một câu chuyện thú vị hầu chị em. 

Thế là như thế nào? Giọng dì tôi đã có vẻ sốt ruột. 

Tao cũng rất ngạc nhiên. Bác dâu quay sang dì tôi. Thế là mấy hôm sau tao mới hỏi chuyện bác Đán, con gái cả của bà Tịnh ý. Thì bác ý mới kể lại như thế này. Lúc đầu bà Tịnh không biết chuyện ông có con riêng. Đến một lần có một cô gái từ miền Trung ra bế đứa con đỏ hỏn đến tận cửa nhà bà bà mới biết. Thế là bà bắt ông đi tìm lại hết những đứa rơi rớt trước đó. Và kể từ sau đó, bà bắt ông là nếu có dừng lại ở chỗ cô nào khác ở đâu thì nhớ để lại địa chỉ cho người ta biết. Rồi bà lần lượt đi thăm từng đứa một. Những đứa con rơi của ông, đứa nào mẹ bỏ thì bà nhận nuôi rồi tìm chỗ gửi gắm, đứa nào mẹ vẫn nuôi thì bà gửi tiền nuôi hàng tháng. Cứ thế, bà góp phần nuôi tất cả 15 đứa con rơi của ông. 

Bác dâu tôi đã ngừng lời, nhưng xung quanh lại im lặng. Mỗi người đều như đã chìm vào trong một suy nghĩ riêng của mình. Thế là bác dâu tôi lại chậm rãi kể tiếp.

Chị Đán bảo, lúc chị bắt đầu hiểu chuyện, chị giận mẹ lắm. Giận mẹ vì cả tuổi thơ chứng kiến mẹ thắt lưng buộc bụng, làm lụng vất vả bằng năm bằng mười người ta mà lúc nào cũng nghèo rách mùng tơi ra, hoá ra là vì người ta nuôi có 2-3 đứa con, còn mẹ lại đi lo nuôi đến tận 18 đứa một lúc. Bà Tịnh ngày xưa làm mậu dịch, đáng ra gia đình phải ăn sung mặc sướng hơn hẳn người ta, nhưng nhà bà lại nghèo hơn người ta. Ba đứa con của ông bà cũng lớn lên bằng rau cháo bần cùng như con người khác. 

Bà chỉ bảo, trẻ con nó không có tội. Người lớn mới là người gây tội, chứ trẻ con nó chỉ là nạn nhân, nó có tội tình gì. Mỗi đứa trẻ đó sinh ra lại đã phải chịu cảnh làm con hoang, bố thì không có, mẹ thì vừa tủi vừa nghèo. Rồi bọn nó sẽ lớn lên như thế nào trong cảnh đó. 

Chị Đán lại hỏi, sao bố hư như thế mẹ không bỏ bố đi. Bà mới nói, bố mày hư cái nửa dưới, nhưng nó đi lái xe bạc cả mặt, cầm được bao nhiêu tiền về cũng đưa hết cho tao để nuôi bọn mày. Mà giờ tao bỏ bố mày thì bố mày sẽ còn đẻ ra bao nhiêu đứa con hoang nữa, rồi ai sẽ lo cho bọn nó. 

Chị Đán kể, cả 15 đứa con hoang của ông đều gọi bà là mẹ. Sau này khi đã lớn, thi thoảng họ lại hẹn nhau về Hà Nội thăm bà. Lần này bà khuất núi, cả 18 đứa con đều mặc áo xô đưa tiễn bà, chắc bà vui lắm. 

Bác gái cả nhà tôi chép miệng. Sau một hồi im lặng thì cuối cùng họ cũng đã lấy lại được phong độ, lại xôm tụ bàn tán về câu chuyện mới được nghe về nhà bà Tịnh. Nhưng tôi thì chẳng để ý họ bàn tán gì nữa. 

Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh bà già xấu xí, nhăn nheo, mặt mày cau có, cầm cái chổi đót đuổi theo chị em chúng tôi. Tôi lại nhớ bà ngoại cứ nhắc đi nhắc lại chuyện bà rất không thích bà Tịnh vì bà Tịnh ki bo, kẹt xỉ, chẳng quan tâm gì đến hàng xóm láng giềng. Có ai biết đâu, kể cả bà ngoại tôi, rằng bà Tịnh đã quen cái thói ki bo hẳn là bởi vì cả đời bà lo cho đến 18 đứa con một lúc. 

Mà này. Giọng bác dâu tôi đột ngột vang lên lại kéo tôi về câu chuyện. Đến hôm nọ đi đám tang bà Tịnh em mới biết tên thật của bà ý đấy nhé. Xưa giờ mình cứ quen gọi là bà Tịnh là vì gọi theo tên ông, giống như bà nhà mình tên là Tín nhưng mọi người cũng gọi là bà Bôn ý. Còn tên thật của bà ý là Ngộ cơ. Lúc nghe cả đám con cứ khóc, Mẹ Ngộ ơi Mẹ Ngộ ơi, em mới giật mình nhìn lên cáo phó. Hoá ra tên bà ý là Ngộ. 

Oh, thì ra là bà Ngộ. Kí ức của tôi về một nhân vật vốn mờ nhạt, lại còn chẳng được yêu thích, đột nhiên trở nên rõ ràng hơn một chút. Đổi một cái tên, đổi cả màu sắc của kí ức. Bà Tịnh đã mất rồi, nhưng câu chuyện của bà Ngộ thì có lẽ sẽ còn đi theo tôi rất lâu. Câu chuyện về Mẹ Ngộ và những đứa trẻ không có tội. 

Tôi có một người yêu cũ tên là Sài Gòn…

Sài Gòn… một buổi tối đẹp trời tháng 11 năm 2022

Ngày hôm nay, giữa những cơn ho gập cả bụng đến mức muốn suy sụp giữa mùa đông rét căm căm của Hà Nội, tôi chợt nhận ra một điều. Ngày xưa, khi tôi rời khỏi Hà Nội để vào sống ở Sài Gòn, tôi từng viết khá nhiều bài viết nhớ nhung Hà Nội. Vậy nhưng, đã sắp kỉ niệm tròn 2 năm tôi rời khỏi Sài Gòn và trở lại sống ở Hà Nội, nhưng tôi lại chưa từng một lần viết bất cứ một lời nào cho một Sài Gòn đã đồng hành với tôi suốt 9 năm có lẻ.

Lí do thì chỉ có một, và cũng có thể coi là tương đối rõ ràng: tôi không hề yêu mến Sài Gòn đến thế.

Nói một cách công bằng thì, trong thời gian đầu khi tôi mới chuyển vào Sài Gòn, tôi cũng từng viết kha khá những lời khen ngợi dành cho thành phố nhiều nắng này đấy chứ. Trong mấy năm đầu tiên gắn bó, tôi đã từng thực sự yêu mến nó. Nhưng rồi, càng về sau này, tình cảm của tôi dành cho miền đất có khí hậu được ưu đãi thuộc vào hàng nhất thế giới này ngày càng giảm, và nói thật là, tôi đã rời khỏi Sài Gòn trong một tâm trạng khá tệ. Để mà miêu tả cái cảm giác của tôi khi rời khỏi Sài Gòn, thế nào nhỉ, có thể dùng việc gì để hình dung cho dễ hiểu nhỉ… Uhm, giống như là, khi đó, tôi đã lặng lẽ bỏ trốn khỏi một mối quan hệ độc hại vậy. Yes, it was THAT bad. Tại sao từng là những kẻ có duyên với nhau, từng yêu mến nhau, mà tôi và Sài Gòn cuối cùng lại có một kết cục đáng buồn đến thế…

Điều đầu tiên khiến tôi bị Sài Gòn hấp dẫn chính là sự năng động và cái guồng quay nhanh nhẹn của nó. Trở về từ London, tôi, khi đó vốn là một chàng trai trẻ vô cùng chăm chỉ và xốc vác, bị shock văn hoá với cái nhịp sống chậm chạp và lười biếng của Hà Nội. Sau ba năm cố gắng chống chọi đến kiệt sức với món đặc sản made in Hà Nội – sự bào mòn ý chí của tuổi trẻ và biến tất cả bọn chúng thành những kẻ ăn bán thiên tài – tôi buông tất cả và bỏ vào Sài Gòn chỉ với một mong muốn duy nhất: được làm việc chăm chỉ. Và khi đó, tôi đã gặp may. Hai năm đầu tiên ở Sài Gòn, cũng là khoảng thời gian mà tôi gắn bó với MTV Vietnam, là những ngày tháng Sài Gòn đẹp nhất trong tôi. Tôi được gặp gỡ và kết giao với những người bạn, những người đồng nghiệp đầy ắp say mê và sự háo hức đối với cuộc sống. Chúng tôi khi đó có lẽ là thuộc vào tầng lớp bình dân nhất của giới văn phòng ở Sài Gòn với đồng lương tương đối khiêm tốn. So với những bữa ăn team lunch hay team dinner xa hoa mà sau này tôi được trải nghiệm ở những nơi khác, team lunch của chúng tôi khi đó là cả văn phòng kéo nhau lên sân thượng của toà nhà để bốc tay và gặm gạp 2 con vịt quay tiêu thơm phức nóng hôi hổi đặt từ quận 5 về, cả bữa ăn cho hơn chục con người chưa hết đến 500k, còn team dinner là những bữa ăn tại căn hộ đi thuê của tôi do chính tay tôi nấu với món sườn xào chua ngọt và canh kim chi. Vậy mà hồi đó, chúng tôi làm thâu đêm suốt sáng, mắt lúc nào cũng cười tít, sáng thì lo gọi cà phê Phin bán rong bằng xe máy, giữa giờ chiều đoi đói lại xì xụp cùng nhau húp những tô hủ tiếu gõ mua có 10K/tô. Những ngày đó, tôi hay đi bộ một mình vào mỗi buổi chiều tối, đeo tai nghe và nghe đi nghe lại những Money On My Mind của Sam Smith, La La La của Naughty Boy và Can’t Hold Us của Macklemore, cảm thấy đây chính là những bản anthem dành riêng cho mình và đồng bọn – những kẻ mộng mơ theo đuổi tự do và sống không phụ thuộc vào tiền bạc.

Thật không may là (hay thật may nhỉ, đến giờ tôi vẫn chưa phân định nổi), cái bong bóng màu hồng của tôi bị chọc cho vỡ cái bộp. MTV Vietnam bị bán cho TodayTV, và tôi, sau khi từ chối lời đề nghị phản bội lại chính đồng nghiệp của mình để trở thành giám đốc kênh, thì bị ném ra đường như một củ khoai và bị buộc phải tự tìm đường sống giữa đất Sài Gòn hoa lệ. Để rồi từ từ nhận ra, hoá ra cái Sài Gòn mà tôi biết đến lâu nay chỉ là một góc rất nhỏ, một góc bé xíu xiu xiu của mảnh đất này thôi. Phần lớn phần còn lại của Sài Gòn thì rất khác.

Khác thế nào?

Phần lớn phần còn lại của Sài Gòn, hoá ra, rất cần tiền. Càng nhiều tiền càng tốt.

Cần tiền để làm gì?

Xem nào.

Trong một cuộc họp với đối tác, tôi từng bất ngờ khi chứng kiến cái cách mà từ em bé nhân viên mới vô được 2 tháng tới chị trưởng phòng đều có chung những trải nghiệm ăn uống mắc tiền y như nhau. Họ cùng nhau bàn tán về những quán cà phê, những nhà hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Ý… mới nhất trong thành phố một cách sành điệu. Ở Sài Gòn, tôi gần như chưa bao giờ nghe thấy ai kể về việc nấu cơm hay ăn cơm ở nhà. (Sau rất nhiều phân tích tôi mới nghĩ ra, nếu không check-in ăn ở ngoài hàng ngày, sếp sẽ nghĩ là mình còn chưa đủ bận và sẽ giao thêm việc chăng?)

Ở một cuộc gặp gỡ khác, tôi chứng kiến họ bàn tán về những triển lãm nghệ thuật, thời trang mới nhất trong thành phố. Về những đợt sale quần áo, mỹ phẩm… ở nước ngoài. (Bởi vì, không đi event thì làm sao mở rộng quan hệ, net-working! Còn năng lực mua sắm chẳng phải là cách nhanh nhất để thể hiện năng lực lao động của một người sao!)

Và như một định luật bất thành văn ở thành phố này, tối đa là 2-3 tháng, không thì tốt nhất là mỗi cuối tuần, mọi người đều phải check-in ở một địa điểm du lịch. Nhân viên hạng thấp thì check-in ở Đà Lạt, Bangkok. Còn tầm sếp lớn trở lên thì mỗi tuần một nơi, trong nước thì bắt buộc phải là resort cao cấp, còn đi nước ngoài thì phải có hình ngồi máy bay hạng thương gia. (Lại cũng sau rất nhiều phân tích tôi mới nghĩ ra, không check-in đi du lịch thì làm sao mọi người biết được mình làm việc rất chi là stress, và vì thế phải đi ra ngoài xả stress chứ).

Và đương nhiên, đó là tôi mới kể rất rất là sơ sơ thôi – lifestyle của cả một thành phố metropolitan thì có mà kể 3 ngày cũng không hết.

Nhưng đại loại là thế đó, thế nên, phần lớn phần còn lại của Sài Gòn rất cần tiền. Càng nhiều càng tốt!

“Người yêu Sài Gòn” của tôi vậy mà đối xử với tôi không hề tệ. Sau khi tôi bị vứt ra đường như củ khoai, thì hắn lại dẫn dắt tôi tới với rất nhiều những cơ hội tốt hơn, những công việc tốt hơn, làm quen với nhiều người giàu có hơn, thành đạt hơn. Cuộc sống của tôi bỗng ngoặt sang một giai đoạn mới, thậm chí có thể dùng cụm từ “sống trong nhung lụa” để mường tượng. Khốn nỗi, dù nhung hay lụa thì cũng đều sực nức mùi tiền, mà cái mũi của một kẻ mộng mơ như tôi thì lại bị cái tật là cứ ngửi thấy mùi tiền là hắt hơi sổ mũi, ngửi lâu ngày có khi còn hơi buồn nôn. Cũng chính vì sự phản kháng rất bản năng này mà tôi và “người yêu Sài Gòn” cứ thế ngày một xa cách, ngày một nhạt nhẽo. Đến nỗi, đến một ngày tôi bắt đầu cảm thấy, việc tiếp tục cố gắng bơi lội bên trong cái thế giới đẫm mùi tiền tên Sài Gòn này là một sự độc hại đối với tinh thần và tâm hồn của tôi. Và thế là tôi lại âm thầm dọn dẹp đồ đạc cuốn gói ra đi.

Cũng có thể là tôi nói cho sang mồm vậy thôi, chứ chính là Sài Gòn đẩy tôi ra đi cũng không chừng. Ở Sài Gòn, người ta phải liên tục thay đổi, tiến lên, đón nhận những cái mới hơn, tốt hơn, và càng lên cao tốc độ thay đổi càng dữ dội. Con người thượng tầng ở Sài Gòn vì thế mà, thay chỗ ngồi yêu thích quá nhanh để có một quán quen, thay công việc quá nhanh để cần đến lòng trung thành, thay đổi phong cách thời trang quá nhanh để cần đến cá tính riêng, thay đổi các mối quan hệ xã hội quá nhanh để cần đến bạn bè chí cốt, thay đổi chỗ ở quá nhanh để cần đến hàng xóm, và thay lòng quá nhanh để cần đến kỉ niệm.

Còn tôi thì lại cứ cũ kĩ, cổ lỗ thế này, Sài Gòn không đào thải tôi mới lạ. Nhắc đến Sài Gòn, kì lạ là những chuyện đầu tiên tôi nhớ đến lại là những chuyện đã xảy ra lâu nhất. Như chuyện cô bé biên tập trong team content của tôi hồi đó, tiết kiệm hơn 1 năm tiền lương, nhịn ăn nhịn mặc, mới mua được chiếc iPhone mới. Ngày cô mua nó về, cô tíu tít đi khoe nó khắp văn phòng, lấy nó ra sạc lần đầu mà cô bé nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa. Mà chiếc máy đó cô mua tặng cho em gái mình, chứ bản thân cô vẫn xài chiếc iPhone đời cũ. Hay chuyện anh sếp trưởng kênh của tôi, bản chất là một người vô cùng tiết kiệm. Hai anh em đi Nhật công tác cùng nhau đúng mùa tuyết rơi, anh còn mang thiếu cả áo rét, suốt một tuần cứ co ra co ro vì lạnh, nhưng lại xách theo những hai cái vali rỗng không để đi lùng mua đĩa than vintage. Lúc anh hớn hở khoe tôi, anh mua được mấy cái đĩa siêu hiếm này mà giá có $1 một cái nè, mắt anh sáng lấp lánh như người ta tìm thấy vàng vậy đó. Rồi một cô bé biên tập khác, vì khoẻ mạnh năng nổ mà luôn được giao đi quay các sự kiện, party. Mà cô thì là chúa xuềnh xoàng, hay bị tôi gọi là “con Cái Bang”. Cô chỉ có đúng một chiếc váy mồi, và cô dùng nó để đi quay tất cả các sự kiện và party trong suốt 2 năm trời. Và trong 2 năm đó, cô cũng chính là người có tiếng cười to và vang nhất văn phòng. Nghĩ kiểu gì, tôi cũng chỉ nhớ được đến những hồn nhiên, những say mê ấy. Không biết bây giờ có ai trong số họ cũng đã bị cuốn vào cái “phần lớn phần còn lại của Sài Gòn” hay chưa.

Mấy ngày trước, tôi có việc trở lại Sài Gòn. Một cách tình cờ, bức ảnh đính kèm bài viết này xảy ra. Chính là tôi, ngồi cùng một đám bạn mà tôi hay gọi trêu là “những kẻ lạc lõng”. Trong cái đám bạn kì dị này của tôi, có một cô gái tuy ở nhà biệt thự giữa Phú Mỹ Hưng nhưng lái một con KIA Morning gần chục năm, thậm chí có thể ngồi nói hàng giờ về những điều tuyệt vời về chiếc xe KIA Morning của cô như một sale xe thực thụ. Tình bạn của chúng tôi bắt nguồn và gắn kết từ niềm đam mê chung dành cho những món đồ rẻ mà tốt và những đợt mua hàng giảm giá. Có thể miêu tả ngắn gọn chúng tôi là những “con nghiện shopping nhưng thích (và biết) tiết kiệm tiền”. Còn người đàn ông trong ảnh là người mà tôi gọi là “người đàn ông có trái tim màu hồng”. Trong suốt mười mấy năm quen biết, tôi chứng kiến anh cực kì kiên định nhìn cuộc đời và loài người bằng một cặp kính màu hồng duy nhất – với anh, ai cũng là người tốt, và việc gì xảy ra cũng là việc tốt hết. Và dù cuộc sống của anh đương nhiên cũng có lên bổng xuống trầm thì màu hồng trên đôi mắt anh cũng chưa từng thay đổi. Và tôi có lẽ rất may mắn khi quen biết anh, vì màu hồng của anh chính là sự đối lập mang lại cân bằng cho cặp kính nhìn đời vô cùng u ám đến mức tăm tối của tôi. Còn người con gái còn lại là một cô gái đã ở trong một căn hộ cho thuê duy nhất suốt 7-8 năm nay. Tôi chưa từng gặp một ai kiên định đến thế, cũng nhẫn nại đến thế, với những lựa chọn của chính mình. Tôi từng non nớt nghĩ rằng, đó là một sự cứng đầu. Nhưng không, giờ thì tôi đã hiểu, đó là một sự nhẫn nại, và sự nhẫn nại thì rất đáng khâm phục.

Họ là một số trong số những điều tôi luyến tiếc nhất khi lựa chọn rời xa Sài Gòn. Kể ra cũng có một chút trớ trêu, khi cả mấy người bọn họ đều xuất thân từ Hà Nội…

Nick’s Dictionary: White Lies

white lie

/ˈˌ(h)wīt ˈlī/

noun

plural noun: white lies

  1. a harmless or trivial lie, especially one told to avoid hurting someone’s feelings.

(Dịch nghĩa: một lời nói dối vô hại hoặc vô nghĩa, nhất là khi người nói sử dụng để tránh tổn thương tâm lí của người nghe)

***

Học kì 1 của năm đầu đại học, khi tôi chỉ vừa mới bỡ ngỡ bước chân vào mái trường Học viện Quan hệ Quốc tế (nay là Đại học Ngoại giao) thân yêu, nhà trường đã tổ chức một cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh cho sinh viên năm nhất và năm hai. Nếu tôi nhớ không nhầm thì cuộc thi được tổ chức bằng cách các thầy cô đưa ra một số chủ đề, và các thí sinh tham gia có thể tự do lựa chọn chủ đề mình muốn thuyết trình. Và tôi, với tư cách của một trong số không nhiều những sinh viên năm nhất được học bổng nguyên học kì một nhờ một bài thi tiếng Anh đầu vào, cộng với tư cách khoá trưởng khoá 28, đương nhiên không thể vắng mặt. Tôi đã chọn cho mình một chủ đề mà tại thời điểm đó chính tôi vô cùng, xin được nhấn mạnh là VÔ CÙNG, tâm đắc: White Lies. 

“Những lời nói dối trắng” – trước đây người ta dịch là “những lời nói dối vô hại”, nhưng tôi thì nghĩ rằng cách dịch chính xác hơn phải là “những lời nói dối không có ác ý” – vâng, xin được trân trọng giới thiệu với các bạn, tôi đây, chính là một chuyên gia. 

Kể hầu các bạn một câu chuyện nhỏ nhắn và vớ vẩn. Năm tôi 5 tuổi, hẳn chính là năm 1988 rồi nhỉ, bố mẹ tôi lúc đó cũng mới chỉ là những cô cậu trẻ tuổi mấp mé 30. Họ có thú vui đi ăn đêm, mà lúc nào cũng phải đi cả một hội anh em bạn bè thật đông đúc. Và thi thoảng họ có xách tôi theo (rồi sau này họ lại rất thích trách móc tôi về chuyện thức khuya – hừm, các vị phụ huynh quả là kì lạ, dường như luôn mất trí nhớ về những hành động của chính mình!). Lần đó gia đình tôi cùng bạn bè của bố mẹ ngồi ăn ở một quán vỉa hè ở phố Mai Hắc Đế, lúc đó chắc cũng phải quá nửa đêm rồi thì phải, và rượu vào lời ra thế nào mà chợt xảy ra xô xát với bàn bên cạnh. Thôi thì anh đập nhẹ cái chai bia vào đầu tôi, tôi cũng khéo léo ném cái đĩa đồ ăn vào mặt anh gì đó, đại loại thế thì phải tôi cũng có biết đâu. Bởi vì ngay khi xảy ra chuyện thì một người anh em của bố, một chú tên là Thái hay sao ý nhỉ (chú Thái cực kì đẹp trai by the way), bế xốc tôi lên và bỏ chạy để cứu đứa bé ngây thơ vô tội là chính tôi đây khỏi hiện trường vụ ẩu đả. Tôi vẫn nhớ, một bên đầu chú chảy máu đầm đìa, và đó có lẽ là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến tận mắt sự sợ hãi đến mất hồn mất vía của một con người. Bằng cách nào kể ra thì sẽ rất dài, chú Thái đưa được tôi về đến tận cửa nhà. Trước khi quay lưng bỏ chạy về lại hiện trường với các anh chị em của mình, chú chỉ dặn tôi một câu, tuyệt đối không nói gì với ông bà cháu nhé. Ô kê chú, cháu biết rồi. Ông bà đang ngủ thì bị tôi dựng dậy, xuống đón tôi đứng lơ ngơ một mình dưới cổng mà ngỡ ngàng, ơ thế bố mẹ đâu. Dạ, bố mẹ cháu đang ngồi ăn thì gặp bạn cũ nên ngồi lại chơi, dặn chú Thái đưa cháu về ngủ với ông bà trước ạ. Tỉnh bơ. Thản nhiên. Như chưa từng có cuộc chia li. Ông bà tôi không mảy may nghi ngờ, cho đến sáng hôm sau biết được sự thật và câu chuyện của đêm hôm trước thì mới ngã ngửa ra vì cái lời nói dối ráo hoảnh của thằng cháu. Tôi còn nhớ, lần đó gia đình tôi vô cùng hốt hoảng, cái đầu phải khâu gần 20 mũi của bố tôi còn không khiến mọi người lo lắng bằng việc tại sao chỉ mới 5 tuổi đầu mà tôi lại nói dối tài tình và thản nhiên đến thế. Chắc có phải đến hơn chục năm sau, bố mẹ tôi đôi khi vẫn kể lại câu chuyện đó để cảnh báo mọi người về sự nguy hiểm của tôi đằng sau cái vẻ mặt ngố tàu của một thằng nhỏ 12 năm học sinh giỏi ngây thơ vô tội kia. 

Giờ nghĩ lại, rất có thể mọi chuyện thực ra đã bắt đầu từ đó. Là chuyện gì thì từ từ mình nói tiếp sau ha. 

Anyway, kể hầu các bạn một câu chuyện nhỏ như vậy thực ra chỉ để dẫn dắt cho một chuyện rằng thì là mà, tại thời điểm tôi ngồi viết cái bài biện luận về White Lies của mình, tôi đã vô cùng tâm đắc. Với tôi lúc đó, White Lies chính là một thứ công cụ tuyệt vời cho một đứa hiền lành dễ bắt nạt như tôi nhưng lại ẩn chứa trong mình một thứ cuồng vọng muốn làm bá chủ thế giới. Giống như, chính bản thân tôi đã là một white lie. Đứng trên sân khấu buổi hùng biện, tôi thao thao bất tuyệt về những tác dụng tuyệt vời của White Lies trong việc gìn giữ trạng thái hoà bình hay tình cảm tốt đẹp giữa hai cá thể – kẻ nói ra những lời nói dối không ác ý, và người nhận được những lời nói dối không ác ý đó. Không! Chúng không phải là những lời nói dối không ác ý, ngược lại là đằng khác, chúng là những lời nói dối được tạo ra bởi thiện chí, bởi những suy nghĩ tốt đẹp không muốn làm tổn thương đối phương. Gọi chúng là White Lies, với cái chữ Lies đầy tiêu cực thật là một sự bất công! Phải gọi chúng là những bông sen trắng làm đẹp cho đời mới đúng! Đôi mắt tôi toả sáng, giọng nói tôi hùng hồn. Cả hội trường vỗ tay, tôi hình như đoạt giải nhì thì phải. Các thầy cô giáo trong hội đồng chấm điểm khen ngợi tôi, khen tôi nói tiếng Anh hay, và có những luận điểm rất tốt khiến cho người ta phải nhìn nhận lại một thứ gây tranh cãi như White Lies. 

Ôi, những vị giáo viên ngốc nghếch của tôi. Khen ngợi một thằng sinh viên ngu xuẩn như vậy, bảo sao lại chẳng đào tạo ra lũ lượt những thế hệ học trò vô dụng…

Mất thêm nhiều năm sống, chiến đấu và học tập theo gương của Bác Hồ vĩ đại chỉ để tôi nhận ra một lỗ hổng vô cùng lớn trong bài hùng biện năm nào của tôi, sự phiến diện và ngu ngốc của chính tôi khi mới chỉ là một con nghé.

Một cuộc nói chuyện luôn cần có hai đối tác, người nói và người nghe – một cuộc nói chuyện chính là một mối quan hệ tương hỗ. Và vì thế, kết quả của cuộc nói chuyện đó, cảm xúc của cuộc nói chuyện đó, tất cả mọi thứ thuộc về cuộc nói chuyện đó, sẽ luôn có tác động lên cả hai phía. Thế nhưng, ngày đó, tôi đã say mê phân tích về những tác hại và tác lợi của White Lies lên người nghe, mà hoàn toàn đã bỏ qua phía đối diện của cuộc nói chuyện – người nói. 

Tôi chưa từng nghĩ đến tác hại của White Lies lên người nói. 

Đối với tôi lúc đó, thứ gọi là “lies”, những lời nói dối, giống như một con dao, mà người nói cầm lên để đâm vào người nghe, và vì thế, tổn thương người nghe bằng những nhát đâm đó. Và White Lies thì giống như một con dao bằng nhựa, dù có đâm bao nhiêu nhát cũng không thể gây đau đớn cho người nghe được, thế nên nó vô hại. Điều này, có lẽ… không sai. 

Thế nhưng, chỉ đến khi sống đủ lâu tôi mới hiểu rằng, White Lies thật ra vẫn là một con dao, sắc bén không hề thua kém con dao tên “lies”. Điều khác biệt duy nhất giữa hai con dao này là nạn nhân của nó: nếu như “lies” đâm vào người nghe, thì White Lies chính là con dao đâm vào người nói. 

Kẻ bị tổn thương bởi White Lies, chính là người nói.

Trong suốt quá trình trưởng thành của mình, tôi giống như một chiếc máy chế tạo White Lies, mà những người nghe trung thành nhất của tôi chính là bố mẹ. Chín giờ tối, mẹ hỏi tôi, Đạt làm xong bài chưa con. Xong rồi mẹ ạ, tôi trả lời. Nhưng đến khi bố mẹ đi ngủ hết, tôi mới lôi bài tập ra làm một mình dưới cái đèn bàn tối mù, chỉ vì tôi có thói quen không thích học bài trước mặt người khác. Ngồi chat với mẹ trong căn phòng đã bị hỏng lò sưởi 6 tháng trời chưa được sửa giữa mùa đông London, mẹ hỏi, Đạt ổn không con. Con ổn mẹ ạ, quá ổn là đằng khác, tôi trả lời mẹ trong khi bụng đói cồn cào vì đã nhịn đói sang đến ngày thứ hai vì đã lỡ tiêu hết sạch tiền mẹ gửi. Sáu giờ sáng, tôi xách vali đi Sài Gòn, mẹ hỏi, sao tự nhiên lại đi Sài Gòn thế con. Con đi chơi mấy hôm ý mà mẹ. “Mấy hôm” đó của tôi kéo dài gần 9 năm. 

Không biết từ lúc nào, tôi bắt đầu có thói quen giấu bản thân mình đằng sau những lời nói dối mà tôi tự cho là không có ác ý – những White Lies. Những lời nói dối đó khiến tôi cảm thấy an toàn trong cái thế giới riêng của mình, và tôi cũng đã tin rằng, chúng giảm bớt rất nhiều những lo lắng, những gánh nặng của mẹ và những người xung quanh tôi. 

Điều mà tôi không hề nhận ra là, ngày qua ngày, chính mẹ đã không còn bao giờ tin vào bất cứ một lời nào tôi nói. Song song với thói quen quăng ra những lời nói dối vô hại của tôi, một thói quen mới hình thành trong mẹ, thói quen đi tìm sự thật đằng sau những lời nói của tôi. Có lúc mẹ tìm thấy, phần lớn thời gian thì mẹ tìm chẳng ra đâu. Thế nhưng điều đó cũng không còn quan trọng nữa, mà quan trọng hơn cả là mẹ đã vĩnh viễn mất đi năng lực tin vào lời nói của tôi. 

Có buồn cười không, khi trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, tôi vẫn ôm trong lòng một nỗi giận hờn vô cùng lớn lao về việc bố mẹ chẳng bao giờ chịu tin tôi cả. Cho đến khi tôi nhận ra, chính là tôi, chứ không phải ai khác, đã trao cho họ cái quyền không cần phải tin vào lời nói của tôi nữa. 

Tất cả có lẽ đã bắt đầu từ cái đêm hôm đó của năm 1988.  

Và đó, các bạn thân mến của tôi ơi, cũng chính là nhát dao đầu tiên nhưng rất sâu, rất đau của White Lies: khi bạn là kẻ nói ra một lời nói dối, bất kể nó có ác ý hay không, thì thứ đầu tiên bạn đánh mất chính là niềm tin của người nghe. Một lần, hai lần. Rồi đến một ngày, những người nghe không còn phân biệt được lời nào của bạn là lời nói thật, lời nào của bạn là lời nói dối nữa. Và họ bắt đầu chọn không còn cần phải tin vào lời của bạn nữa. Và rồi họ chọn không cần phải nghe bạn nữa. Và rồi… họ chọn không còn cần đến bạn nữa. Bởi vì có ai lại cần đến một người mà mình không thể tin tưởng. Tất cả, rất có thể, bắt đầu từ một lời nói dối vô hại, không ác ý. 

Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là tất cả. Đương nhiên. Mọi chuyện còn có thể còn tệ hơn nữa. Thật buồn cười là có rất nhiều những thứ màu trắng đều là thứ gây nghiện, bao gồm cả White Lies. White Lies chính là một thứ công cụ vô cùng hữu dụng trong việc thoát khỏi một tình huống khó xử, hay một nguy cơ gây tổn thương người khác. White Lies giống như chiếc áo choàng vô hình với thứ quyền năng đầy quyến rũ, giúp bạn trốn thoát, giúp bạn né tránh, giúp bạn ẩn giấu, giúp bạn an toàn. Bạn cảm thấy, bạn thoải mái là chính mình hơn khi núp đằng sau những lời nói dối đơn giản. Và đó chính là sự nguy hiểm lớn nhất của chiếc áo choàng vô hình: bạn nghiện nó. Bạn bắt đầu cảm thấy không thể sống thiếu nó. Bạn thuyết phục bản thân mình bằng những biện giải đầy chính nghĩa về nó. Và bạn bắt đầu lạm dụng nó. Nói dối có lẽ chính là một trong những năng lực của con người có sức mạnh gần nhất với những năng lực siêu nhiên, mà có ai lại không mong mình có được những năng lực siêu nhiên cơ chứ. Đằng này, White Lies lại còn vô hại, không tổn thương một ai cả. 

Và thế là bạn cứ hồn nhiên há mồm nhả ra những White Lies một cách vô tội vạ, càng nói bạn lại càng thấy chúng quả là những viên kẹo bọc đường, vô cùng ngọt ngào, vô cùng đáng yêu thích. Mà không hề nhận ra mỗi lời nói dối đó, chính là một nhát dao bạn đang tự đâm vào mình. Và thường thì người ta không nhận ra hậu quả của White Lies cho đến khi bản thân đã thủng lỗ chỗ như một cái nia rách, bị xã hội vứt chỏng chơ bên lề đường không ai thèm ngó đến. 

Giờ thì tôi đã hiểu, gọi White Lies là White Lies, với cái đuôi “lies” đầy tiêu cực, không hề là một sự bất công. Đã là “lies”, thì dù có là White Lies, cuối cùng cũng vẫn là “lies”, với đầy đủ những thứ xấu xa của nó. Nạn nhân có thể khác nhau, nhưng sự tổn hại thì vẫn nguyên xi như thế. 

Ngày hôm nay, bạn đã tự đâm mình mấy nhát?

Frozen của Madonna, và năm 1998 của tôi

Madonna – Ray Of Light (1998)

Tháng 2 năm 1998, Madonna quay trở lại với single Frozen và album Ray of Light. Gần như ngay lập tức, Frozen và ROL được ca ngợi là cuộc trở lại vĩ đại nhất của Nữ hoàng nhạc Pop. Đến tận ngày nay, ROL vẫn luôn được đánh giá là album tuyệt đỉnh nhất của Madonna, và quan trọng hơn cả, nó đi vào lịch sử âm nhạc với danh hiệu album nhạc giúp đưa dòng nhạc electronica vào thị trường âm nhạc chính thống và thay đổi bộ mặt của nền nhạc Pop. Đối với cá nhân tôi, ROL cũng là một trong những album nhạc tôi yêu thích nhất, và có ý nghĩa quan trọng nhất đối với tôi. ROL gắn liền với những năm tháng vô cùng đáng nhớ nhất, cũng là đáng quên nhất của tuổi thanh xuân của tôi. 

Thế nhưng, tất cả những điều đó đều là chuyện của sau này. 

Còn gắn bó với năm 1998 của tôi chỉ có duy nhất một ca khúc Frozen mà thôi. Và tôi cũng chỉ vừa mới nhận ra điều đó, khi tôi một lần nữa nghe lại ROL, và ngay khi những nốt nhạc đầu tiên của Frozen cất lên, tâm trí tôi bỗng tràn ngập trong những hình ảnh, những kỉ niệm, những câu chuyện của năm 1998. Rời rạc, nhưng rất rõ ràng. 

Buổi chiều hôm nay là một buổi chiều u ám và rất nhiều sương mù của Hà Nội. Một không gian và bầu không khí hoàn hảo cho Ray of Light, tôi chợt nghĩ. Châm cho bản thân một ấm trà Earl Grey nóng hổi, và bật ROL lên. Tôi đắm chìm trong những âm thanh bản thân vô cùng yêu thích. 

Và rồi Frozen vang lên…

Năm 1998 chắc chắn là một trong những năm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Đó là năm tôi tốt nghiệp cấp hai, và bước chân vào cấp ba. Năm đó tôi 15 tuổi – một lứa tuổi vô cùng quan trọng. Bởi đó cũng chính là lứa tuổi mà chiếc bong bóng màu hồng của tuổi niên thiếu chính thức vỡ tung, và lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi có nhận thức về những cảm xúc tiêu cực. Như buồn bã. Như cô đơn. Như lo lắng. Như thất vọng. Như sợ hãi. Và thật tình cờ, cái thứ âm nhạc đã chia sẻ với tôi trong tất cả những lần đầu tiên trải nghiệm bộ mặt tối tăm của cuộc sống lại là một ca khúc vô cùng tăm tối, lạnh lẽo và buồn bã như Frozen. 

Tới mức, ngay khi Frozen vừa vang lên trong buổi chiều nay, trong lòng tôi bỗng sống dậy cái cảm giác bồn chồn, vừa lo lắng, vừa đầy phấn khích của đứa bé tuổi 15 năm đó. 

Tôi từng kể, tôi đã sống xa bố rất nhiều năm khi còn nhỏ. Tôi không nhớ chính xác ngày tháng bố trở về bên hai mẹ con tôi, hình như là đầu năm 1996 thì phải. Nhưng chúng tôi đã xa nhau nhiều và lâu đến mức, tôi không hề nhớ mặt bố. Ngày gặp lại bố ở sân bay Nội Bài, tôi hoàn toàn bình thản, chứ không hề biết đến cái cảm giác vui sướng của việc gặp lại một người mà mình đã từng nhớ nhung. Trong suốt thời gian sau đó chúng tôi sống cùng với nhau, đối với tôi, bố giống như một người khách đến ở trong nhà lâu ngày vậy. Và chính vì thế, tôi nghĩ là tôi bắt đầu nhận ra sự khó chịu của mình lần đầu tiên vào một thời điểm nào đó của năm 1997. Trước khi bố trở về, cuộc sống của hai mẹ con tôi trong trí nhớ của tôi bình yên và đơn giản như một câu chuyện cổ tích, nơi mà kẻ xấu xa nhất cũng chỉ là những con chuột vẫn hay quấy phá trong ngôi nhà nhỏ của chúng tôi mà thôi. Thế nhưng, sự xuất hiện của bố làm đảo lộn tất cả mọi thứ. Mẹ không còn là nữ hoàng dịu dàng và hay cười của tôi, mỗi cuối tuần lại dẫn tôi đi ăn phở gà ở Lê Văn Hưu và đi chợ Kim Liên mua đồ sida nữa. Hoàn toàn ngược lại, mẹ gần như trở thành bà phù thuỷ suốt ngày cau có, cằn nhằn, hay kêu ca và gắt gỏng. Và vì thế, tôi cũng không còn là cậu bé hoàng tử của mẹ, suốt ngày loanh quanh ở nhà nghe nhạc, tô màu và ăn đồ ăn ngon mẹ nấu nữa. Tôi dành rất nhiều thời gian của mình lang thang ở nhà của Nhật và Hằng, hai người bạn thân thời thơ ấu của tôi, tới mức tôi nhớ rằng có lần Nhật, người mà hồi đó tôi gọi là người anh em sinh đôi của tôi, phải đuổi tôi về nhà. Bởi vì, đã có lúc, tôi nghĩ là tôi sợ về nhà. Tôi sợ cái bầu không khí căng thẳng của bố mẹ cãi nhau, hay mùi rượu bia nồng nặc mà những cuộc nhậu nhẹt của bố và bạn bè để lại. 

Một thời điểm nào đó của năm 1997, tôi đã nghĩ rằng cái thế giới màu hồng của mình đã sụp đổ mất rồi. Và đó là lần đầu tiên tôi biết sợ hãi. Và lần đầu tiên tôi biết ghét một ai đó, tôi đã ghét cái người mà tôi coi là người khách đến ở trong nhà lâu ngày. 

Cuối năm 1997, tôi bước vào năm lớp 9. Cuối cùng thì cái thằng trẻ ranh chưa bao giờ tự đi đâu xa quá nhà mình 1km như tôi cũng được biết về cái gọi là áp lực cuộc sống: chúng tôi sẽ phải thi tốt nghiệp, và rồi sẽ phải thi vào những ngôi trường mới, hoàn toàn xa lạ, và ở xa hơn nhà mình 1km. Lần đầu tiên tôi thấy cô chủ nhiệm căng thẳng với chúng tôi đến như thế, cô nói về việc có thể trượt tốt nghiệp cấp 2, cô nói về những ngôi trường cấp 3 không đủ tốt và có thể làm ảnh hưởng không tốt đến tương lai của chúng tôi. Nói thật là không biết các bạn khác như thế nào, chứ tôi thì tôi chẳng hiểu gì cả. Giờ nghĩ lại, có lẽ tôi đúng là một thằng ngố thực sự, và quá non nớt so với các bạn cùng lứa. Từ lớp 1 đến lớp 9, tôi chỉ học ở đúng một ngôi trường duy nhất, trường Lê Ngọc Hân ở phố Lò Đúc, và nó cách nhà tôi chừng 7 phút đi bộ. Đến mức đã có những lúc, tôi cảm thấy thế giới của mình dừng lại ở ngay cái ngã năm Lò Đúc với Phan Chu Trinh. Và từ lớp 1 đến lớp 9, tôi luôn là học sinh giỏi xuất sắc, lại vô cùng ngoan ngoãn, nên tôi chưa từng phải nghe thầy cô hay bố mẹ phàn nàn, cũng chưa từng có ai nói với tôi về thất bại hay cái gì tương tự như thế. Nên khi người lớn nói về những thứ mà giờ chúng ta gọi là những điều tiêu cực, tôi chẳng hiểu một cái mô tê gì cả. Và vì thế, tôi chẳng có cảm xúc gì với chúng. Thế nhưng, dần dà, thông qua những lần thi tốt nghiệp thử được tổ chức liên tục trong năm học, thông qua sự ganh đua của các bạn học cùng lớp, tôi có vẻ như lần đầu tiên cảm nhận được một thứ gọi là áp lực. Và chính vì sự ngây thơ của mình, tôi nghĩ là mình đã không thể chịu đựng được nó đủ tốt. Trước những thay đổi quá đột ngột của năm học lớp 9, tôi cuối cùng cũng đã thay đổi. Dưới sự đè xuống của áp lực học hành, cùng với không khí ngột ngạt trong chính gia đình mình, lần đầu tiên trong tôi xuất hiện nhu cầu phản kháng. 

Và người đầu tiên tôi phản kháng, không có gì bất ngờ cả đúng không nào, chính là vị khách đã đến ở trong nhà quá lâu: bố tôi. 

Vào một ngày nào đó, có thể là cuối năm 1997, cũng có thể là đầu năm 1998, tôi đã lần đầu tiên cãi bố. Đến giờ đương nhiên tôi không thể nhớ mình đã nói những gì, nhưng tôi nghĩ là tôi cũng đã nói những điều rất láo lếu. Biết làm sao, tôi chưa từng cãi nhau với ai, và người duy nhất để tôi có thể học hỏi về kĩ năng cãi nhau lại là chính mẹ và bố – những người đã lớn. Thế nên tôi nghĩ là tôi đã nói ra những điều mà một đứa trẻ 15 tuổi rất không nên nói. Lần đó tôi cãi bố hăng đến mức bố đã cầm một cái quạt cây lên định đánh tôi. 

Nhưng bố chưa bao giờ đánh tôi. Cả một tuổi thơ của tôi, bố và mẹ chưa từng một lần đánh tôi, dù chỉ bằng một cái lông hồng. Lần đó cũng không ngoại lệ. 

Hơn thế nữa, khoảng một tuần sau đó, bố mua tặng tôi một món quà mà chính tôi cũng không dám tưởng tượng: một chiếc chảo vệ tinh để xem các kênh quốc tế trên tivi. Thời đó, muốn xem MTV Asia thì phải xem bằng “chảo” mới có nhé. Và hãy tưởng tượng một đứa mê MTV đến như tôi: kể từ ngày phát hiện ra MTV ở nhà bác Nga, chị ruột của mẹ, tôi đã nài nỉ mẹ mua “chảo” cho tôi chắc cũng phải suốt hai năm hơn. Câu trả lời của mẹ luôn chỉ có một, “Mẹ không có tiền đâu!”. Nhưng tôi vẫn nài nỉ, ngày này qua tháng khác – nghĩ lại mới thấy, hồi đó tôi ngây thơ tới mức không có cả khái niệm giàu nghèo luôn. 

Vậy mà bố lại tặng cho tôi chiếc “chảo” tôi hằng mơ ước đó. Đó có lẽ là lần vui sướng nhất trong suốt cả tuổi thơ của tôi. Tôi chưa từng yêu thích thứ gì nhiều đến như thế, và cảm thấy thoả mãn đến như thế khi có được nó. Tôi ôm lấy cái tivi như một con nghiện thực sự, không cho một ai xem một cái gì khác. Thời sự của bố? Không! Bóng đá của bố? Không. Mẹ thì suốt ngày càm ràm, năm nay nó thi tốt nghiệp mà bố lại đi chiều nó như thế, chả thấy nó học hành gì nữa cả. Tôi thì mặc kệ tất cả, những lời kêu ca của mẹ, những lời mắng lấy lệ của bố (mẹ kêu nhiều quá nên bố cũng phải mắng cho có vẻ thôi ý mà), thậm chí, cả mấy đứa bạn thân thiết Nhật, Hằng, Lan Anh của tôi (xin lỗi bọn mi nhé, hihi!). Không còn một ai, hay một thứ gì, còn tồn tại, ngoài cái kênh MTV của tôi. 

Cũng có lẽ vì thế mà trong tất cả các thời kì âm nhạc, nhạc của hai năm 97 và 98 luôn có một vị trí vô cùng đặc biệt trong trái tim tôi. Thời kì đỉnh cao của Spice Girls, Show Me Love của Robyn, As Long As You Love Me của Backstreet Boys, I Want You của Savage Garden, Torn của Natalie Imbruglia, Barbie Girl của Aqua, Bachelorette của Bjork, và còn rất, rất nhiều nữa. Nhưng trên tất cả, Frozen của Madonna. Phải rất nhiều năm sau, khi ngồi một mình trong căn phòng hỏng lò sưởi lạnh buốt giữa mùa đông London, tôi mới cảm nhận được hết cái sự buồn bã và lạnh lẽo của Frozen. Thế nhưng, kì lạ thay, buổi chiều ngày hôm nay, nguyên một cái năm 1998 đã trở về trong tâm trí tôi chỉ trong vài ba nốt nhạc của Frozen. 

Đầu năm 1998 của tôi đã mở ra tuyệt vời như thế đấy. Người bố trời không sợ đất không sợ của tôi, mở mồm ra là chê bai chửi bới chưa từng sót một ai từ ông tổng thống Mĩ trở đi, vậy mà khi đó lại đã đầu hàng trước thằng con 15 tuổi của mình. Đến giờ tôi vẫn không biết được khi đó bố mẹ tôi đã phải làm những gì để có thể tặng cho tôi một món quà thực sự không hề phù hợp với điều kiện của gia đình như vậy. Tôi thì cũng mặt trơ trán bóng, trong một đêm nhận liền cái người mà tôi vẫn coi là người khách đến ở quá lâu trong nhà mình làm bố không chớp mắt. Lần đầu tiên sau 2 năm trời, không khí trong nhà tôi bớt ngột ngạt, mẹ hình như cũng đã cười lại nhiều hơn. Tôi thì cảm thấy, cái thế giới màu hồng của mình một lần nữa lại hiện lên bồng bềnh và ấm áp. 

Thế nhưng. Ấy đấy. Trong mọi câu chuyện, nếu không có cái khúc “thế nhưng” này, thì nó sẽ lại chẳng còn là câu chuyện về cái cuộc đời khốn nạn này. 

Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang. Một buổi chiều tôi đi học về, và cả thế giới của tôi bất ngờ sụp đổ. Tan tành. 

Kênh MTV Asia bị khoá trên toàn bộ hệ thống chảo vệ tinh cỡ nhỏ tại Hà Nội. 

Ngày hôm đó, lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi trải nghiệm cảm giác hoàn toàn suy sụp. Tôi nghĩ là tôi đã ốm mất mấy ngày. Đến món cháo sườn siêu đẳng mà tôi rất yêu thích của mẹ, chỉ được nấu mỗi khi tôi ốm, mà tôi còn chẳng ăn nổi. Trái tim tôi vỡ vụn. Không sai, đó có lẽ chính là lần đầu tiên tôi biết yêu, và rồi biết thế nào là cái cảm giác trái tim vỡ ra thành triệu mảnh li ti khi người mình yêu không nói không rằng bỗng một ngày biến mất. 

Tôi còn sống, nhưng như một kẻ đã mất hồn, vô tâm vô thức trải qua một mùa hè nóng chảy mỡ của Hà Nội với số điểm tốt nghiệp trung bình 9, đạt loại giỏi, và được nhận vào ngôi trường đúng nguyện vọng, trường Việt Đức. Nhưng từ trước đó, khi vừa thi xong môn tốt nghiệp cuối cùng, tôi đã như một kẻ hoá điên, lao đi khắp nơi để tìm lại người yêu MTV của mình. Nhà bác Nga của tôi giàu có, lắp loại chảo cỡ lớn, nên vẫn bắt được MTV. Tôi thiếu điều đóng cọc luôn ở nhà bác Nga. Bác Nga thương tôi, nên cũng ráng chiều cháu lắm, cứ mỗi khi có nhà lại gọi tôi sang chơi, giấu tôi trong phòng riêng của bác để xem tivi. Những lúc bác Nga không có nhà thì sao? Tôi đi tìm MTV khắp nơi có thể. Nhà người bạn này. Quán cafe kia. Chỉ cần ở đâu có MTV, tôi đều cố gắng có mặt dù ít dù nhiều, ngấu nghiến xem nó dù đôi khi chỉ đếm theo phút. 

Sau một mùa hè năm đó, tôi trở thành một con người hoàn toàn khác. Từ một thằng bé ngây thơ, hiền lành, im ắng, da trắng bóc như trứng gà vì ở trong nhà quá nhiều, tôi trở thành một thằng nhóc dạn dĩ, ồn ào, ưa chuyện, da thì đen nhẻm vì phơi nắng. Bỏ qua những ngại ngùng, sợ hãi của bản thân, tôi làm tất cả những gì tôi có thể vì tình yêu của mình, để được ở bên tình yêu của mình. MTV đã thay đổi hoàn toàn thế giới quan của tôi. Nó bày ra trước mắt tôi một thế giới rộng lớn và đẹp rực rỡ. Một năm trước đó, biên giới thế giới của tôi dừng ở ngã năm Lò Đúc Phan Chu Trinh. Một năm sau đó, tôi một mình một xe đạp lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội, lục lọi, tìm kiếm, quan sát bằng tất cả sự phấn khích của một chàng thanh niên mới lớn. Bước chân vào lớp 10, tôi chẳng cái gì mà ko dám làm. Bạn bè rủ đi đâu chơi cũng đi, đôi khi còn là chính thằng đầu têu nhiều trò nghịch ngợm. Trở thành bạn thân của cái thằng quậy nhất lớp. Lén bố mẹ đi thuê với đi mua phim con heo về xem. Chỉ trừ có đánh nhau thì vẫn hèn nên không dám, tự nhận thức được bản thân thấp bé nhẹ cân nên tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc quân tử dùng mồm không dùng tay chân. Còn thì chửi bậy nói tục cãi nhau đôm đốp với bất kể đối tượng ngoài đường cũng chưa từng chịu thua một lần. 

Năm 1998, Madonna lột xác bằng một album Ray Of Light. 

Năm 1998, tôi cũng lột xác, bắt đầu bước chân vào con đường trở thành Nick Do mà các bạn biết đến hiện giờ. Hôm nay nhờ Frozen mà nhớ lại rất nhiều chuyện. 

Tất cả đã bắt đầu từ một trái tim tan vỡ của mùa hè năm 1998. 

Câu chuyện về thằng bé Nick Do say mê âm nhạc (Phần 2)

Chiếc album đã thay đổi cuộc đời mình…

Nghĩ đi nghĩ lại, thì năm 1995 chính là một năm cực kì quan trọng và có tính bước ngoặt trong cuộc đời nghe nhạc của mình. Như đã kể ở phần 1, năm 1995 là năm mẹ trở về từ Mĩ, mang theo Roxette và cuốn băng nhạc phim Disney về cho mình, và đưa mình đến với âm nhạc của thập niên 90. Nhưng cũng trong năm 1995 còn có sự xuất hiện của một người vô cùng quan trọng, người dẫn dắt mình vào cuộc sống của một musichead thực sự, anh Hùng.

Trước khi vào chuyện thì mình nghe lại một trong những hit đỉnh nhất của Roxette đã nhé!

Anh Hùng là sinh viên của mẹ. Khi mẹ trở về từ Mĩ, thì cũng là lần đầu tiên mình gặp gỡ với những sinh viên mà mẹ hướng dẫn bảo vệ luận án tốt nghiệp – nghĩ lại có lẽ đó cũng là năm đầu tiên mẹ làm việc này thì phải. Và những sinh viên đầu tiên của mẹ mà mình gặp là anh Hùng và chị Hà. Mình vẫn nhớ rất nhiều về thời gian đó, khi anh Hùng và chị Hà rất thường xuyên ghé qua nhà để nghe những lời nhận xét của mẹ về luận án tốt nghiệp họ đang viết, thường là vào buổi tối, sau khi hai mẹ con đã ăn cơm tối xong. Và tại sao chuyện của anh Hùng và chị Hà trở nên đáng nhớ, bởi có lẽ nó dạy cho mình rất nhiều về cách làm người sau này, bắt đầu từ cách làm người của mẹ: sau khi tốt nghiệp, cả anh Hùng và chị Hà đều trở thành nhân viên của mẹ tại Viện Khoa học Việt Nam. Mặc dù rời đi sau một thời gian, nhưng anh Hùng vẫn luôn vô cùng gắn bó và là một người bạn tốt của gia đình. Còn chị Hà thì đến tận bây giờ vẫn đang là nhân viên của mẹ, sau gần 30 năm gắn bó. Tất cả đều bắt đầu từ những ngày năm 1995 đó. 

Tại thời điểm đó, mình quả thật vẫn chưa có nhiều nhận thức về cuộc sống, ví dụ như những phân biệt cơ bản của tốt-xấu, xấu-đẹp, giàu-nghèo, hay-dở. Nhưng theo nhận xét của mẹ, thì anh Hùng là một người đẹp trai, con nhà phố cổ Hà Nội, biết ăn mặc, khéo mồm, khéo sống, và rất hiền và tốt bụng. Thế nên khi anh Hùng tỏ ý muốn thân thiết và đưa mình đi chơi cùng với anh, mẹ hoàn toàn đồng ý. Thời gian đó hẳn đã là một khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc đối với mình. Trước 1995, mình đã là một đứa trẻ vô cùng cô đơn. Là con một trong một gia đình trẻ, với bố mẹ đều là những người cực kì ham học hỏi và phấn đấu, ấn tượng lớn nhất của mình về tuổi thơ là những ngày hè dài đằng đẵng ngồi ôm sách một mình trong góc nhà. Bố bận rộn đến mức đã có thời gian mình không nhớ cả mặt bố vì quá lâu không gặp. Cả ông ngoại và ông nội đều yêu thương mình đặc biệt trong số các cháu, nhưng đó cũng chỉ là do mình nghe kể lại thôi, vì cả hai ông đều mất quá sớm. Khi mình thực sự bắt đầu có nhận thức và trí nhớ, thì cả hai bố mẹ đều đã ở nước ngoài, và những người đóng vai trò rõ rệt nhất trong cuộc sống của mình là bà nội – người mình ở cùng suốt cả tuần, bà ngoại – người sẽ đón mình về chơi mỗi cuối tuần, và bác Nhung, bác dâu của mình, người chăm sóc mình rất nhiều mỗi lần mình về chơi nhà bà ngoại. Ở nhà bà ngoại sẽ có thêm chị Tú, chị họ của mình, kém mình một tuổi, một trong những người bạn hiếm hoi thời thơ ấu của mình. Và chỉ thế thôi. Mình cũng có hai anh chị họ tính ra chính là tầm tuổi anh Hùng luôn, chị Hương và anh Trung, con của bác Nga, bác gái cả bên ngoại của mình, nhưng mình gần như chẳng gặp họ mấy. Ngày nhà bác Nga còn nghèo và còn ở ngay giữa chợ Hôm, rất gần nhà mình, mình nhớ là mình khá thường xuyên được mẹ gửi đến chơi nhà bác Nga, và mình luôn có ấn tượng là chị Hương và anh Trung chỉ thích mấy đứa em bên nội của họ, chứ không thích mình, bởi vậy mình cũng không thích gần gũi với họ. Sau này nhà bác Nga trở nên giàu có, thì họ biến mất hoàn toàn trong cuộc đời mình. Cho đến 1995 thì mình thậm chí không còn có ấn tượng là mình có hai người anh chị này, ngoại trừ việc mình mặc rất nhiều đồ quần áo cũ của họ. 

Và thế đấy, 1995, mình là một đứa con một hoàn toàn cô đơn, không anh chị em, gần như không bạn bè, đặc biệt thiếu thốn vai trò của người đàn ông lớn hơn trong cuộc sống khi cả hai ông đều đã mất, bố đi nước ngoài, chú bác không thân thiết. Cho đến khi anh Hùng xuất hiện. Anh Hùng trở thành người anh trai mà mình luôn thèm muốn có được. Anh lại càng giống anh trai ruột của mình hơn, khi anh hoàn toàn chia sẻ niềm đam mê âm nhạc với mình. Anh là người đầu tiên dẫn mình tới Digital 49 Quang Trung – một trong những cửa hàng bán nhạc trẻ quốc tế hoành tráng nhất đầu tiên tại Hà Nội lúc đó, cũng là nơi mình đã mua rất nhiều băng đĩa nhạc quốc tế đầu tiên trong cuộc đời mình. Cũng nhờ anh Hùng mình mới biết đến Hồ Gươm Audio ở Hàng Bài, nơi có bán tất cả những chiếc băng video tổng hợp các video âm nhạc quốc tế giống hệt của chị Sim mấy năm trước, và thế là 2 năm sau khi chia tay chị Sim, mình đã tự có được những chiếc băng video chứa đầy những video âm nhạc thú vị và đẹp đẽ như ma thuật mà mình vẫn hằng khao khát. Giờ nghĩ lại, khi đó mẹ đã phải chiều mình tới mức độ nào chứ! Cái thời năm 1995, hai mẹ con nghèo xơ xác, ăn còn phải ăn dè, đến sơn nhà mà hai mẹ con còn phải tự sơn vì làm gì có tiền đi thuê người, vậy mà mẹ vẫn sắm cho mình đầy đủ nào là đầu đọc băng video, tivi, đài cassette – đều là những thứ xa xỉ phẩm thời bấy giờ, và cho mình tiền mua băng video và cassette đắt ơi là đắt để mình say sưa theo đuổi cái niềm đam mê nghe nhạc vô bổ của mình. Bởi vậy, dù không phải là con nhà giàu, nhưng kể ra thì mình đúng là con nhà được chiều, và vì thế cuộc sống của mình trở nên privilege khi mang ra so với người khác quả cũng không oan. Bù lại thì mình lại hoàn toàn vui vẻ với việc luôn mặc quần áo cũ của các anh chị họ, đặc biệt là anh Trung nhà bác Nga, để tiết kiệm tiền mà. Thậm chí đến quần áo mới của mình thời đó cũng là đi mua đồ secondhand, hay còn gọi là đồ sida, ở chợ Kim Liên, chứ thật lòng không có khái niệm quần áo mới tinh ngoài mấy món đồ mẹ mua về từ Mĩ mà mình đã mặc đến mức rách tan tành vẫn bắt mẹ vá lại để mặc vì tiếc. Cái gì chẳng có giá của nó, phải không nào. 

Nếu mình nhớ không nhầm, thì hồi World Cup 1994, cứ mỗi lần nghỉ giữa hai hiệp, tivi thời đó lại chiếu bài Especially For You của Kylie Minogue hát với Jason Donovan, chiếu nhiều kinh khủng (thêm cả bài Crash! Boom! Bang! của Roxette nữa!). Và nhờ thế mà một trong những cái băng cassette mình mua đầu tiên ở Digital 49 Quang Trung chính là một album tổng hợp của Jason Donovan, với cực kì nhiều bài hát đi vào lịch sử âm nhạc của mình thời bấy giờ. Có lẽ hai nghệ sĩ mình nghe nhiều nhất thời kì này chính là Roxette và Jason Donovan, trong đó Jason chính là thần tượng âm nhạc chính thức đầu tiên trong cuộc đời của mình – mình muốn khi mình lớn lên, mình sẽ đẹp trai và có nụ cười toả nắng như anh ý!

Cuộc sống nghiệt ngã làm sao, khi Especially For You chính là ca khúc chị Kylie ăn bám anh Jason – thần tượng âm nhạc đỉnh cao của giới trẻ lúc bấy giờ – để trở nên nổi tiếng hơn, để rồi chị thì phát triển rực rỡ và trở thành nữ hoàng nhạc Pop, còn anh thì lại đã tuột xích mất tích đi đâu từ bao giờ mất rồi…
Nụ cười toả nắng của anh Jason toả nhiều nắng nhất trong cái video bài Everyday này này…

Kỉ niệm lớn nhất, đáng nhớ nhất với anh Hùng là khi anh đưa mình đi nghe đêm nhạc tưởng nhớ John Lennon được tổ chức ở sân trường Đại Học Tổng Hợp lúc bấy giờ (giờ là Đại Học Quốc Gia thì phải). Đó là đêm nhạc outdoor liveshow đầu tiên trong cuộc đời mình. So với cơ thể còn bé xíu của mình, mình đã có ấn tượng rằng đêm nhạc đó vô cùng vĩ đại, với một sân khẩu khổng lồ, một không gian khổng lồ, và việc có hàng ngàn người cùng chen chúc, cùng đung đưa và cùng hát theo một bài hát quả là một sự kiện vĩ đại. Cũng nhờ đêm nhạc đó, mình biết thêm về trào lưu ban nhạc sinh viên và các quán cafe âm nhạc, rock cafe của giới sinh viên thời bấy giờ, từ lúc mới học cấp 2. Bởi vậy sau này khi đã trở thành sinh viên, mình là một trong những đứa sành điệu nhất về các địa điểm rock cafe hay cafe sinh viên có tên tuổi nhất thành phố. Tuy nhiên, lúc này mình vẫn chưa biết nghe rock, chưa nghe được rock. Mình nhớ rằng mình đã rất thích The Beatles, nhưng mình không nghe họ nhiều đến vậy. Mình cũng nhớ như in rằng cái bìa album mà mình ấn tượng nhất trong tủ băng đĩa của 49 Quang Trung là album Tragic Kingdom của No Doubt, nhưng khi mình bật nó lên nghe thử thì mình đã nhè ngay nó ra và không bao giờ mua cuốn băng đó cả. 

Thêm một kỉ niệm mà mình chợt nhớ ra, đó là Fansland Cinema của anh Dũng Digital (cũng là chủ của tiệm nhạc Digital 49 Quang Trung mình kể nãy giờ đó) – một trong những rạp chiếu phim thú vị nhất của Hà Nội những năm 90. Fansland có lẽ chính là nơi sản sinh ra toàn bộ những đứa trẻ say mê điện ảnh của đất Hà Nội trong những năm 90 nhỉ, bởi đó là nơi duy nhất có chiếu cực kì nhiều những tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế giới từ cổ chí kim. Anh Hùng cũng chính là người đã khai sáng cho mình về Fansland, đương nhiên, và sau đó Fansland đã trở thành điểm hẹn của hai mẹ con mình gần như mỗi tuần. Hai mẹ con mình đã xem nhiều những bộ phim vô cùng xuất sắc ở Fansland, mà đáng nhớ nhất với mình thì có lẽ là Mrs.Doubtfire của danh hài quá cố Robin Williams. Và có một lần, hai mẹ con đã đi xem buổi chiếu tuyển tập video ca nhạc History của Michael Jackson, album tổng hợp theo dạng greatest hits đầu tiên của Michael hồi năm 1995. Đó là một buổi tối vô cùng đáng nhớ, bởi trong một buổi tối, mình đã được xem liên tục tất cả những chiếc video âm nhạc vĩ đại nhất của thế giới thời bấy giờ. Vậy nhưng, thú vị không, trong khi cả thế giới phát điên phát cuồng vì ông hoàng nhạc Pop, thì mình lại vô cùng dửng dưng. Thế giới của mình khi đó vẫn chỉ có Roxette và Jason Donovan. Mình có thích Michael, tương đối thích là khác, nhưng mình chưa bao giờ là một fan cuồng. Và hai ca khúc mình thích nhất của Michael vào buổi tối ngày hôm đó, một buổi tối hoàn toàn random của năm 1995 hay 1996 gì đó nào đó, Man in the Mirror và The Way You Make Me Feel, đến tận ngày hôm nay vẫn chính là hai ca khúc mình thích nhất của anh. Thật kì lạ khi nhận ra, sau ngần nấy năm trưởng thành với sự thay đổi diễn ra gần như là hàng ngày bên trong mình, thì ngược lại, có những thứ về mình hoàn toàn không hề thay đổi một chút nào sau gần 30 năm. Con người quả là kì lạ. 

Vĩnh viễn là ca khúc mình thích nhất của Michael Jackson

Tình bạn, tình anh em của mình với anh Hùng còn tiếp diễn đến mãi sau này, kể cả sau khi anh đã nghỉ làm ở chỗ mẹ. Đương nhiên là sau đó thì anh cũng sẽ bận rộn hơn và có ít thời gian dành cho mình hơn. Nhưng bọn mình chỉ chính thức không còn có cơ hội thân thiết như anh em như ngày nào sau khi anh lấy vợ, còn mình thì chẳng bao lâu sau cũng đi du học mất tiêu. Vậy mà ngày anh ăn hỏi, mình còn hớn hở đi bê tráp cho anh, còn là người bê hẳn cái đầu heo đi sau cùng chứ! Có ai ngờ đâu đó chính là ngày mình mất đi anh trai của mình. Giờ thì cả hai anh em đã sắp thành hai ông già rồi. Mình lại đi cafe anh nhỉ? Mai em sẽ gọi anh!

Seal – Kiss From A Rose

Một trong những chiếc băng nhạc đã thay đổi thế giới – thế giới quan, thế giới nghe nhạc – của mình, chính là chiếc album tổng hợp những ca khúc được đề cử Grammy năm 1996. Cái album đó thì thực sự là một album nhạc huyền thoại. Để mình kể ra cho bạn nghe nhé. Mở đầu là One Sweet Day của Mariah Carey và Boyz II Men nè. Rồi đến Gangsta’s Paradise của Coolio, Waterfalls của TLC. Rồi Kiss From A Rose của Seal. Rồi One Of Us của Joan Osborne. You Are Not Alone của Michael Jackson, tại thời kì được coi là bắt đầu đi xuống của anh. Và, wait for it, You Oughta Know của Alanis Morisette. Chiếc băng cassette này chính là một cú nổ trong cái bong bóng âm nhạc của mình, phá vỡ mọi nhận thức về âm nhạc của mình từ trước tới giờ. Bao nhiêu năm trời sau đó, Gangsta’s Paradise cùng Waterfall và Kiss From A Rose vẫn luôn nằm trong top những ca khúc yêu thích mọi thời đại của riêng mình, và nuôi dưỡng cho tâm hồn của thằng thanh niên bên trong mình. 

TLC – Waterfalls

Một năm sau đó, tiếp tục là album tổng hợp những ca khúc được đề của Grammy năm 1997, những Give Me One Reason của Tracy Chapman, Ironic của Alanis Morisette và đặc biệt là Who Will Save Your Soul của Jewel nuôi mình thành một thằng ông cụ non giữa đám bạn ranh con vắt mũi chưa sạch. Vì sự yêu thích đặc biệt những ca khúc này mà mình luôn cảm thấy hình như mình có vẻ già dặn hơn một cách không cần thiết đối với những đứa bạn học lúc đó còn đang mải mê cuồng dại những Backstreet Boys ranh con của bọn nó… Vậy mà giờ nhìn lại vẫn cảm thấy có sự đáng tiếc, vì mãi đến sau này, phải hẳn là sau 2000, mình mới nhận ra hai ca khúc mà mình yêu thích nhất trong album này lại là Spiderwebs của No Doubt (chính là trong cái album Tragic Kingdom mà mình vẫn luôn ấn tượng nhưng lại không thể nghe hồi 1995 đó) và Stupid Girl của Garbage. Nhưng mà thôi, đó vẫn là chuyện của sau này. 

Đây có lẽ cũng là hai chiếc băng cassette cuối cùng mình mua ở Digital 49 Quang Trung trước khi đĩa CD xuất hiện và thay thế hoàn toàn, mở ra một thời kì mới của âm nhạc.

(còn tiếp)

Một trong những ca khúc mà sau này mình đã cho rằng là tiêu biểu nhất cho âm thanh của những năm 90…

Câu chuyện về thằng bé Nick Do say mê âm nhạc (Phần 1)

Bất cứ ai biết đến mình cũng đều biết chuyện mình mê nhạc đến mức độ như thế nào, và hầu như mọi người đều biết mình biết về nhạc quốc tế nhiều đến mức độ nào. Không nhiều người đến thế biết chuyện mình, trong khoá học Master Báo Chí Quốc Tế của mình tại Anh, đã chọn học chuyên ngành phụ là Phê Bình Âm Nhạc Trong Báo Chí. Và mình nghĩ có lẽ cả cái đất nước này cũng chỉ có mỗi mình mình là đi chọn một cái chuyên ngành mà đối với tiêu chuẩn chung là “nhảm lone” đến thế để học trong chuyến-đi-du-học-vô-cùng-tốn-kém-tiền-bố-mẹ của mình. Giá trị duy nhất của cái ngành học đó, đến bây giờ, có lẽ là để trả lời cho câu hỏi mà đôi khi sẽ có người hỏi mình, “Sao anh biết nhiều về nhạc thế?”. Mình sẽ trả lời rất loè bịp, khoe khoang, kiểu, “Hồi xưa tao học báo chí chuyên ngành phê bình âm nhạc cơ mà!”. Và thế là người ta sẽ gật gù ngay lập tức, ra cái vẻ, “thì ra là thế”. 

Chụp ảnh cùng lớp học của mình tại City University, một trong những minh chứng vô cùng hiếm hoi của việc mình hoá ra có đi học thật =)))) (đố mọi người tìm được mình!)

Thật ra, thì ra không hề là thế một chút nào. Cái ngành phê bình âm nhạc đó chẳng hề bắt mình phải nghe thêm bất cứ 1 bài hát nào, hay đọc thêm về một nghệ sĩ nào. Lí do đơn giản và rõ ràng nhất cho việc mình biết nhiều nhạc đến thế là vì mình mê nhạc đến mức độ chỉ có thể dùng những tính từ rất mạnh như “điên cuồng” để miêu tả. Cộng thêm cái đặc tính thích tìm hiểu đến rồ dại của một con người cung Xử Nữ, và thế là mình trở thành một cuốn từ điển mini về âm nhạc. 

Hôm bữa, trong lúc đang say sưa tắm rửa dưới làn nước mát lạnh, như mọi khi, đầu óc mình lại bay bổng đi một nơi nào đó, và nó đã dẫn mình về một ngày rất xa trong quá khứ, cái ngày mà cái thằng bé say mê âm nhạc đến cuồng nhiệt trong mình xuất hiện. Mình vừa hốt hoảng, vừa hớn hở nhận ra, thì ra lại có những câu chuyện thú vị đến như vậy, sao mình lại không thèm nhớ đến cơ chứ. May quá, giờ thì mình đã nhớ lại. Và thế là, mình lại lên đây kể hầu các bạn nhé. 

Câu chuyện về nguồn gốc của thằng bé Nick Do say mê âm nhạc. 

Có một lần nọ, giờ thì mình không thể nhớ ra là ai. Nhưng đại khái lần đó bọn mình cũng đang ngồi nói chuyện về âm nhạc, về chuyện mình biết nhiều về nhạc, đặc biệt là âm nhạc của những năm 80, 90 của thế kỉ 20, và có một người đã có một nhận xét mà mình thấy khá là tinh ý: sinh vào thời của anh ăn còn chả đủ mà biết nhiều về nhạc như thế thì chắc chắn anh phải là con nhà giàu. 

Một nhận xét rất là hiểu biết: đến tận giữa những năm 90 mà thứ âm nhạc quốc tế phổ biến nhất khắp đất nước Việt Nam vẫn là Modern Talking của đầu 80, thậm chí Boney M và ABBA của cuối 70, thì việc biết nhiều nhạc hơn thế chắc chắn phải đến từ đặc quyền về tiền bạc. Nhận thức đó là đúng. Nhưng nhận xét đó lại sai ở một điểm, nhà mình không hề giàu, mà đó là vì nhờ mình đã có những vị hàng xóm và họ hàng giàu có. Yes, haha! 

Kí ức đầu tiên của mình về nhạc quốc tế đến từ một người chị hàng xóm giàu có tên Sim. Mình đã luôn thắc mắc về cái nickname của chị, Sim. Mình hoàn toàn không biết nó được viết là Sim, hay Xim, hay Sym, hay Xym, và quan trọng hơn cả là tại sao nó lại là Sim/Xim/Sym/Xym, vì mình hoàn toàn không thấy nó liên quan đến một cái gì cả, nhất là đến chính chị. Nhưng mình có ấn tượng đặc biệt với chị Sim, vì từ lúc còn rất bé mình đã được nghe quá nhiều về gia đình chị. Đầu tiên là việc mỗi ngày mẹ mình đều khen mẹ chị Sim, cô Hạnh, xinh đẹp tuyệt trần bằng một giọng điệu mình nghĩ khá là ghen tị – và mẹ luôn nhắc đến chuyện cả khu phố luôn so sánh mẹ mình và mẹ chị xem ai là người đẹp nhất phố. Sau đó thì khá thường xuyên mình nghe được những câu chuyện về việc bố chị Sim làm ăn giỏi và đột nhiên trở nên rất giàu có. Tiếp đó, mỗi ngày mình đều được nghe người lớn cả trong nhà và trong xóm bàn tán về chuyện bố mẹ chị cãi nhau mỗi đêm. Và rồi, bố mẹ chị trở thành cặp đôi đầu tiên trong cái xóm 55A Hàng Chuối của mình chia tay nhau (chữ đầu tiên xứng đáng được nhấn rất mạnh, vì sự thực là cái xóm 55A Hàng Chuối của mình sau đó đã chứng kiến thêm gần chục cuộc chia tay nữa của TẤT CẢ các cặp vợ chồng sống trong xóm, ngoại trừ duy nhất bố mẹ mình, ghê chưa, ghê chưa!). Gia đình chị vừa mới chuyển đi nơi khác sinh sống không được bao lâu thì chị Sim trở về 55A Hàng Chuối để sống với ông bà nội, vì bố chị giành được quyền nuôi chị nhưng lại quá bận rộn làm ăn để chăm sóc chị. Và mình vẫn nhớ như in hình ảnh chị Sim sống như một nàng công chúa nhỏ, với những bộ cánh vô cùng xinh đẹp và cầu kì, trong một căn phòng riêng thơm tho và sạch sẽ, và đặc biệt, với một chiếc đầu đọc băng video – thứ chỉ những người cực kì giàu có khi đó mới có, giữa một gia đình gồm ông bà nội, vợ chồng con cái bác gái lớn nghèo nàn đến mức nhếch nhác, chen chúc nhau trong những căn phòng chật hẹp. Cũng chính trong căn phòng thơm tho sạch sẽ đó của chị Sim, trong những năm tháng bố mẹ đi vắng ở nước ngoài, mình đã làm quen với những bài hát quốc tế đầu tiên của cuộc đời mình. 

Năm đó mình 8 tuổi. 

Không hiểu sao bỗng nhiên giờ đây mình lại nhớ ra được hết những chuyện này. Mình quả thực không hề có nhiều kí ức về tuổi thơ, và mình luôn bật cười khi xem những bộ phim mà nhân vật có thể bị ám ảnh bởi những kí ức từ 4-5 tuổi. Vậy mà thi thoảng mình cũng nhớ ra rất nhiều chuyện của tuổi thơ, và bắt đầu tin hơn vào cái gọi là “ngăn kéo kí ức”. 

Cho đến trước khi mẹ mình trở về từ Nga năm mình từ 9 lên 10 tuổi, mình đã có khái niệm rất rõ ràng về âm nhạc của Sandra, của Wilson Phillips, của Bananarama và tương đối nhiều nghệ sĩ của những năm 80 khác nữa. Đặc biệt là Sandra, vì chị Sim có hẳn một băng video riêng với tất cả những hit bự nhất của Sandra, và mình mê mệt Everlasting Love của cô.

Ca khúc Everlasting Love của Sandra, một trong những ca khúc mình yêu thích nhất của thập kỉ 80

Nhưng có 2 video ca nhạc đã thực sự in đậm vào kí ức của mình năm 9 tuổi, chính là Love In The First Degree của Bananarama, một chiếc video thực sự vãi lone về mọi khía cạnh của thời bấy giờ khi ba cô nàng vác hẳn khoảng 3 chục chàng trai chỉ mặc mỗi quần sịp lên sân khấu nhảy phụ hoạ cho màn trình diễn của mình. Và video thứ 2 chính là những chiếc thánh giá bốc cháy trong Like A Prayer của Madonna. Cả 2 video này, về sau này khi mình đã lớn hơn, đều có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển quan niệm sống của mình. Love In The First Degree dạy mình về sự tự do đến mức bản năng trong việc thể hiện bản thân, còn Like A Prayer dạy mình về sự nổi loạn bất cần giới hạn. Và có lẽ những kí ức năm 9 tuổi đó thực sự đẹp đẽ tới mức, cho đến tận bây giờ, sau khi đã nghe hàng nghìn, hàng chục nghìn những ca khúc khác cùng của thập kỉ 80, có lẽ còn vĩ đại hơn rất nhiều trong dòng chảy của lịch sử âm nhạc, thì Everlasting Love, Love In The First Degree và Like A Prayer vẫn là 3 ca khúc mình yêu thích nhất của thập kỉ 80. 

Chiếc video biểu diễn tại Brit Awards của Bananarama sau này đã dạy cho mình rất nhiều về sexual freedom
Mãi đến sau này khi lớn hơn rồi mình mới biết là chiếc video này nó nổi loạn và gây tranh cãi nhiều tới mức độ nào trên toàn thế giới tại thời điểm nó ra đời

Chị Sim cuối cùng cũng rời khỏi 55A Hàng Chuối, và đi cùng với chị là những chiếc video âm nhạc đẹp đẽ mà mình khao khát được nghe và xem mỗi ngày. May quá, chẳng bao lâu sau thì mẹ trở về từ Nga, và mang theo trong hành lý của mình rất nhiều âm nhạc. Đến đây thì mình cũng phải kể thêm là mình có một ông bố dị ứng với tất cả mọi thể loại nghệ thuật, trừ các bộ phim của Liên Xô và nước Nga, vì với bố thì nghệ thuật là một sự lãng phí thời gian. Và cùng lúc đó, mình lại có một người mẹ say mê tất cả mọi loại hình nghệ thuật, có thể bỏ ra hàng giờ để ngồi nghe nhạc, ngắm tranh, và thích sưu tập tất cả các loại hình nghệ thuật thủ công của những nước mẹ từng ghé thăm. Cũng vì lí do này mà mình đã từng chứng kiến bố càu nhàu mẹ biết bao lần về chuyện, “Mẹ mày làm hỏng thằng con”, chỉ vì mẹ khuyến khích mình nghe nhạc, và từ đó đã tạo điều kiện cho thằng cuồng nhạc trong mình chính thức chào đời. 

Năm 1993. Mẹ đưa mình về thăm tuổi trẻ của mẹ. Những năm 1970. ABBA. Bee Gees. Barbara Streisand. Kenny Rogers và Dolly Parton. Rồi Khánh Ly và Trịnh Công Sơn. Nguyễn Ánh 9. Khánh Hạ hát Sa Mạc Tình Yêu. Bảo Yến và Nhã Phương. 

Những năm tháng này là những năm tháng mà mỗi đêm hai mẹ con đều chìm vào giấc ngủ trong tiếng nhạc. Những bài hát mà hai mẹ con nghe nhiều nhất chắc chính là hai ca khúc mà mẹ yêu thích nhất, hai bản tình ca vĩ đại, Woman in Love của Barbara Streisand và Lady của Kenny Rogers. Khi đó, hai mẹ con vẫn còn rất nghèo, nhà vẫn chưa có đầu đọc băng video và tất cả nguồn sống văn hoá của hai mẹ con chỉ gói gọn trong chiếc máy nghe nhạc bằng băng cassette cũ kĩ. Mình quý nó hơn vàng, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. 

Ca khúc mình nghe nhiều nhất mỗi đêm thời đó…

Hôm qua trong lúc ngồi ăn tối với bố mẹ, cả nhà ngồi bàn tán về những hàng quán mà cả gia đình, hoặc hai mẹ con, đã từng ghé ăn rất nhiều lần hồi mình còn nhỏ, vô tình lại giúp mình nhớ ra thêm một câu chuyện. Đó là một quán ăn, mà theo mẹ thì chắc chắn phải là quán phở cô Lan, ở phố Lê Văn Hưu, một gia đình mà nhờ vào việc nhanh nhạy làm ăn buôn bán đầu những năm 1990, đã kịp trở nên khá giàu có. Và thế là, ngay giữa quán có treo một chiếc tivi kèm theo đầu phát video để suốt ngày bật những băng nhạc quốc tế lên chiêu đãi thực khách. Một quán phở thời đó mà lại hiện đại đến như thế ư? Mình không dám chắc nữa. Nhưng mình dám chắc chắn một điều, lần đầu tiên mình được xem những video của những bài hát mà mình yêu thích đến phát cuồng của ABBA là ở đó. Cái kí ức đó mạnh mẽ tới mức, mình còn nhớ cái video đầu tiên được xem chính là bài S.O.S, và video tiếp theo đó là One Of Us. Cũng có thể, đó chính là lí do vì sao gia đình mình lại hay đi ăn ở quán cô Lan, vì với tính cách của mình, mình chắc chắn sẽ đòi đến ăn ở đó để được xem các video ca nhạc phát trên cái tivi của họ. 

Mình luôn có ấn tượng là nhạc ABBA rất buồn. Quá buồn đối với một thằng bé 10 tuổi. Và đến khi lớn lên mình mới biết, nhạc của ABBA buồn thật!
Một trong những ca khúc mình yêu thích nhất về mặt âm nhạc của ABBA, nhưng lại vô cùng căm ghét, bởi nó đánh dấu sự chuẩn bị kết thúc của ban nhạc mình yêu thích nhất mọi thời đại!

Năm 1995, mẹ chuyển công tác, rồi đi Mỹ, và trở về cùng với những chiếc băng cassette vô cùng quan trọng: album Joyride của Roxette, và một băng nhạc tổng hợp nhạc phim của Disney. Roxette chính là âm thanh đầu tiên của thập kỉ 90 mà mình được thưởng thức, và Chúa ơi, nó mới mới mẻ và phấn khích làm sao. Thế nhưng, thứ thực sự thay đổi cuộc sống của mình lại chính là chiếc băng Disney, với những Kiss The Girl, Part Of Your World (nhạc phim Nàng Tiên Cá), hay When You Wish Upon the Stars (nhạc phim Pinocchio). Cuối cùng, mình cũng biết thế nào là nhạc trẻ. Và mình không thể chờ đợi được việc khám phá thêm về cái thế giới lung linh đầy màu sắc đó. 

(còn tiếp…)

Chắc chắn là một trong những ca khúc nhạc phim Disney đáng yêu nhất mọi thời đại!
Còn đây thì đơn giản là ca khúc nhạc phim hay nhất mọi thời đại của Disney! (Let It Go who?)

2021 New Year’s Resolution: I QUIT!

quit verb /kwit/ to leave a job or a place, or to stop doing something, usually permanently.

“to quit” là một từ mạnh: âm bật của nó nghe rất mạnh, mà ý nghĩa của nó cũng rất mạnh mẽ. Theo định nghĩa ở trên, “quit” là rời đi, là từ bỏ, và thường là vĩnh viễn. Yes, vĩnh viễn, một trong những khái niệm có ý nghĩa vừa mạnh mẽ nhất, lại vừa cường điệu nhất, trong những khái niệm được dùng để miêu tả thời gian. Bởi vậy, “quit” là một khái niệm khá nguy hiểm, mang tính cực đoan, ẩn chứa ý nghĩa tiêu cực và câu nói “I quit!” có lẽ là một trong những câu nói gây ra nhiều hối tiếc nhất trong lịch sử loài người. 

Một cách tình cờ, cách đây một vài hôm, trong lúc đang đứng tắm, tôi chợt nghĩ đến hai chữ “từ bỏ”. Đầu đuôi câu chuyện thì là vì, do được sinh ra ở cái vùng đất vừa có mùa đông lạnh cắt da cắt thịt là cái miền Bắc Việt Nam này, thêm nữa lại được sinh ra từ cái thời đất nước còn nghèo, mùa đông phải đun nước để tắm, mà mỗi người chỉ được đúng một cái ấm đun nước đít cắm phích Liên Xô để tắm thôi (cái ấm đun nước kinh điển của các gia đình khá giả miền Bắc ngày xưa này chắc các em bé sinh từ 88 trở đi là mù tịt nhỉ), thế nên từ khi gia đình lắp được cái bình nước nóng đầu tiên cho phòng tắm là tôi nghiện nó lắm. Thế là từ khi có cái bình đun nước nóng đầu tiên là tôi đã sinh ra một thói quen: tắm nước cực kì, CỰC KÌ nóng! Tôi nghiện tắm nước nóng mà phải nóng bỏng giãy lên mới chịu được ý. Cảm giác cái làn nước nóng bỏng đó hắt lên da, rồi cái hơi nóng sau một lúc bắt đầu ngấm dần vào trong người, chui vào dưới da, khiến cho cả cơ thể ấm sực lên từ trong ra ngoài, là một cái cảm giác gây nghiện vô cùng khó tả mà tôi tin là có rất nhiều đứa trẻ miền Bắc sẽ hiểu ngay lập tức. Và tôi nghiện tắm nước nóng đến mức ngay cả khi đã chuyển vào sống ở Sài Gòn được gần 10 năm nay, nơi chỉ có mùa hè vĩnh cửu và ánh nắng mặt trời bất tận, tôi vẫn tắm nước nóng rất đều. Phải kể hơi dài dòng một chút như thế để các bạn hiểu rằng tôi nghiện tắm nước nóng đến mức độ như thế nào, thậm chí còn nghiện hơn cả nghiện thuốc lá một thời. 

Cho đến tận gần đây, tôi bắt đầu tập tắm nước mát hơn vì bị bạn cùng nhà phàn nàn quá nhiều về chuyện tắm nước nóng không tốt cho cả da và cơ thể. Và cách đây vài ngày, tôi đã giật mình khi nhận ra mình đang tắm nước mát giữa mùa đông Hà Nội. Yes! Lúc đó, tôi đang tắm nước mát – gọi là nước mát vì nước được điều chỉnh ở một nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể tôi, nên tuy thực tế là nó có hơi âm ấm, nhưng khi tưới lên da lại tạo ra cảm giác mát mẻ – giữa một ngày trời lạnh hẳn hoi ở giữa Hà Nội. Một cách vô thức, tôi đã hoàn toàn từ bỏ thói quen và sở thích tắm nước nóng già đã có từ hồi còn nhỏ, tất cả chỉ vì một chút lo lắng nho nhỏ cho cái làn da châu Á mỏng manh đã có quá nhiều dấu hiệu lão hoá của mình. Nhận thức đó tuy nhỏ bé mà nổ tung trong đầu tôi như một quả bom, bởi thú thật là chuyện tôi cai được việc tắm nước nóng có lẽ còn lớn lao hơn cả việc tôi cai được thuốc lá. 

Và ngày hôm đó, đứng trong phòng tắm dưới làn nước man mát, lành lạnh, tôi nghĩ nhiều về chuyện từ bỏ. 

Cuộc đời tôi, nếu nhắc đến một chuyện từ bỏ nào đó đáng để kể lại đầu tiên, thì có lẽ chính là việc tôi đã bỏ lại tất cả, thực sự là tất cả, để đi sang Anh vào cái ngày 21 tháng 9 năm 2006. Tại thời điểm đó, dù có đối chiếu theo bất cứ tiêu chuẩn nào, tôi cũng là người đang có tất cả. Tôi có một gia đình hạnh phúc, ở nhà tôi là chàng công tử con một chăn ấm nệm êm, cơm bưng nước rót, cả đời chưa từng phải đụng tay vào việc nhà, từ năm 13 tuổi đã biết lườm người giúp việc đến cháy xém cả mặt. Tôi có những – yes, những – công việc đáng mơ ước. Tôi bắt đầu có được danh tiếng, tôi được nhiều người ngưỡng mộ. Và tại thời điểm đó, tôi còn có cả một tình yêu đẹp. Bởi vậy, chỉ có Chúa và tôi mới hiểu được tại sao tôi lại quyết định từ bỏ tất cả những thứ tốt đẹp mà người khác còn ao ước và thèm muốn đó để sang Anh, làm một thằng ăn mày cù bất cù bơ, sẵn sàng co ro ngủ trên sofa nhà bạn chỉ vì quá cô đơn, hay đứng giữa Oxford Circus cắm tai nghe Boston của Augustana và khóc ngon ơ như một đứa trẻ chỉ vì quá mệt mỏi. 

In the light of the sun

Is there anyone?

Oh, it has begun

Oh dear, you look so lost

Eyes are red and tears are shed

This world you must have crossed

You said you don’t know me

And you don’t even care

Oh yeah

You said you don’t know

And you don’t wear my chains

Oh yeah

(Boston – Augustana)

Thật lòng mà nói thì lúc đó chính tôi cũng không hiểu được đâu. Chính tôi nhiều lúc còn phải nhìn lại bản thân trong gương và tự hỏi là mình đang làm cái (đéo) gì với cuộc đời mình vậy. Cho đến mãi sau này tôi mới biết ơn những ngày tháng đó biết bao nhiêu. Những ngày tháng đó đã giũa cho tôi từ loài động vật thân mềm, nhìn cái gì cũng thấy khó, mở mồm ra là kêu ca thành loài động vật vỏ cứng, không còn thấy cái gì là khó, không sợ khổ, chẳng sợ bẩn, thật lòng là chẳng còn sợ gì cả, chỉ sợ duy nhất có một việc là bản thân mình không thích việc mình đang làm mà thôi. 

Kết quả của lần từ bỏ đầu tiên quá xuất sắc này cuối cùng đã trở thành nền tảng tuyệt vời cho tất cả những lần từ bỏ sau đó. Một trong những lần từ bỏ gây shock không hề nhỏ ngay sau đó là việc tôi từ bỏ Hà Nội để vào Sài Gòn sinh sống. Rất nhiều người từng nói, tôi “quá Hà Nội” để có thể rời bỏ Hà Nội mà đi. Thế mà tôi chỉ chép miệng một cái đã đi xong, đi một mạch 10 năm không cần ngoái đầu nhìn lại. Bạn tôi lại bảo, cái loại hút thuốc ngày 2 bao lâu năm như anh, bỏ được thuốc có mà trời sập. Quay qua quay lại, giờ tôi đã từ bỏ thuốc lá được gần 2 năm rồi. Thế nhưng, đó là những từ bỏ rất dễ dàng nhìn thấy, những lần tôi từ bỏ đập vào mắt mọi người. Còn có những từ bỏ rất nhỏ bé, rất khẽ khàng mà tôi đã lén lút làm trong những năm qua, hôm nay mang ra hầu chuyện các bạn nhân ngày đầu năm mới. 

Các bạn hẳn đã từng nghe về khái niệm “tự do tài chính”? Đúng rồi đó, tôi cũng đã nghe đến nó từ những người bạn bán hàng đa cấp. Bản thân tôi đã từng tham gia vào một hệ thống bán hàng đa cấp chỉ để thực sự tìm hiểu cái khái niệm này, một khái niệm khiến tôi vô cùng thích thú. Nếu như có thể thực sự trở nên tự do về tài chính, đó quả là một điều tuyệt vời. Thế nhưng, các bạn thân mến ạ, cái “tự do tài chính” mà đa cấp và chứng khoán đang vẽ ra cho các bạn thực ra là một sự lừa bịp vô cùng to lớn: các bạn sẽ không bạn giờ có thể đạt được tự do về tài chính bằng cách tiếp tục kiếm ra nhiều tiền hơn, nhiều hơn nữa. Lòng tham của con người là vô đáy, và vì thế tiền bạc sẽ vĩnh viễn không bao giờ đủ. “Tự do tài chính” hoá ra lại chính là cái “Bẫy Tư Bản” lớn nhất, khủng khiếp nhất, hơn bất cứ sự hấp dẫn vật chất nào của những món hàng hiệu, những lối sống sang chảnh lung linh đắt tiền tốn của. 

Thế nhưng, tôi lại tin vào sự tồn tại của “tự do tài chính”, với cách định nghĩa đúng đắn của nó: tự do tài chính, chính là không còn bị phụ thuộc vào tài chính nữa. Tự do tài chính, chính là thoát khỏi kiếp sống nô lệ của đồng tiền. Tôi đã suy nghĩ rất lâu về điều đó, những tháng ngày rọi chiếu tâm tư của bản thân, những đêm mất ngủ suy tư. Và rồi, một ngày kia, tôi bừng tỉnh, và việc đầu tiên tôi làm chính là viết đơn xin nghỉ việc. Tôi nhận ra, cách duy nhất để không còn phải làm nô lệ cho đồng tiền, chính là phải không cần đến nó nữa. Nhưng nếu tôi còn đi làm, mà lương tôi thì rất cao, tức là tôi còn kiếm ra nhiều tiền, thì tôi sẽ lại phải tiêu tiền, và vĩnh viễn tôi sẽ không thể thoát ra khỏi sự kiểm soát của đồng tiền. Thế nên, tôi bắt đầu hành trình “cai nghiện tiền” bằng việc tự khiến cho bản thân không có tiền nữa. Rất cơ bản phải không nào, nó cũng giống hệt như hành trình cai nghiện ma tuý thôi mà. 

Cách đây không lâu, tôi bâng quơ viết một status về chuyện mình theo đuổi lối sống minimalism, và nó khiến cho rất nhiều người bật cười. “Anh thì minimalism cái nỗi gì” là suy nghĩ chung của rất nhiều người. Nhưng điều mà mọi người không hề biết là, sự thật thì status đó không hề bâng quơ một chút nào, và lối sống minimalism của tôi đã bắt đầu chính từ ngày tôi viết lá đơn xin nghỉ việc cuối cùng. Tất nhiên, cũng giống như việc ăn kiêng, sẽ có cái gọi là “cheat days” – chính là những ngày tôi không nhịn được nữa và bay sang Singapore tiêu hết mẹ mấy trăm triệu trong vòng có mấy ngày để thoả cái cơn thèm tiêu tiền của một thằng đã quá quen sống cuộc sống tư bản chủ nghĩa, kết quả là các bạn vẫn thấy tôi mua sắm, sinh sống rất bình thường. Thế nhưng, thực tế là trong mấy năm qua, một điều rất đáng tự hào là sự tồn tại của những “cheat days” đó thật ra rất ít, nhất là sau khi tôi đã quăng toàn bộ savings của mình vào một chiếc xe tử tế, một căn nhà tử tế và một cái quán ăn nho nhỏ của chính bản thân mình mà các bạn cũng biết là cái gì rồi đó. Còn lại, tôi tằn tiện sống qua ngày đoạn tháng bằng cái thu nhập (siêu) ít ỏi từ cái quán ăn còm cõi của mình. Và cái ngày mà tôi tự tin lên facebook tuyên bố mình theo đuổi lối sống minimalism chính là ngày mà tôi nhận ra mình đã hoàn toàn tiêu diệt được cái con quỷ nghiện shopping bên trong mình – giống hệt cái ngày tôi tiêu diệt được con quỷ nghiện thuốc lá bên trong mình: nó là một cảm giác rất rõ ràng, tới mức gần như có thể chạm tới, sờ nắn, và bật cười với nó – nụ cười sung sướng của việc được giải thoát. 

Tuy nói là ngày hôm đó tôi cảm thấy được giải thoát vậy thôi, nhưng thực tế là đã từ lâu lắm rồi tôi không cảm nhận sự trĩu nặng của những gánh nặng kinh tế, tài chính trên vai mình. Có nhiều việc các bạn không thể nhìn thấy nên đương nhiên cũng bán tín bán nghi, nhưng có một việc các bạn chắc chắn có thể nhìn thấy rất rõ, đó là nguyên cái năm 2020 – năm Covid thứ nhất – vừa rồi, trong khi có biết bao người có công ăn việc làm hẳn hỏi còn xấc bấc xang bang, thì một thằng về hưu non thất nghiệp ở nhà như tôi lại rất thảnh thơi. Tôi nói thật, tôi thảnh thơi không phải vì tôi giàu đâu, mà tôi thảnh thơi vì thật lòng hiện giờ tôi sống với một nhu cầu rất thấp, với một sĩ diện rất thấp. Tôi ăn uống đơn giản, có thể tự nấu ở nhà rất nhiều. Đi ăn cùng bạn bè, tôi không bao giờ chia đều mà sẽ luôn trả đúng phần của mình, vì chắc chắn tôi sẽ luôn ăn những món rẻ nhất. Tôi giờ ăn mặc mới là đơn giản thậm tệ, nhất định chỉ mua một thứ đồ duy nhất là đồ sale của Uniqlo – nhất định phải sale mới mua nhé. Tết với tôi, chỉ vài bó hoa rẻ tiền nhưng đẹp mắt cắm quanh nhà là đủ vui rồi. Tôi cũng luôn nói rất rõ với mọi người là tôi không thích cái trò mừng tuổi đâu, vì tôi không dư tiền mang đi cho không người khác. Thế đấy, tôi sống không ưỡn ngực vênh cằm, không theo truyền thống cũng chẳng bắt trend, chỉ từ từ tốn tốn cặm cặm cụi cụi sống cái cuộc sống của riêng mình, theo cái cách mà mình tin vào. Một cuộc sống bao gồm rất nhiều những sự từ bỏ. 

Nhắc đến “I quit!”, người ta thường hay nghĩ tới sự bỏ cuộc. Còn riêng với tôi, “I quit!” lại chính là sự bắt đầu cho một cuộc sống đầy tự do và sung sướng. Đến giờ này, tôi chưa từng phải một lần ân hận về bất cứ một quyết định từ bỏ nào của mình, và tôi luôn biết ơn tất cả những lần từ bỏ đó. Trên bề mặt, bạn đã phải ồ à vì những từ bỏ nhìn sơ qua khá là dữ dội của riêng bản thân tôi như bỏ được thuốc lá, bỏ được việc tắm nước nóng già. Thế nhưng, ở đằng sau sân khấu, thật ra tôi còn đã từ bỏ được những lớn lao hơn thế rất nhiều, chẳng qua tôi chẳng thèm khoe với bạn mà thôi. Nếu như không có đợt bùng dịch vừa rồi, thì có lẽ tôi cũng chẳng bao giờ kể với bạn câu chuyện ngày hôm nay đâu. Thế nhưng, vì một đợt bùng dịch vừa rồi, mà 2021 lại đã bắt đầu tương đối u ám. Hôm nay ngồi xem chương trình đón chào năm mới Tân Sửu trên tivi, thấy người ta vẫn chúc nhau những lời chúc vô cùng sáo rỗng về hy vọng, về niềm tin, chỉ cảm thấy vô cùng nhạt nhẽo và vô nghĩa. Bèn ngồi viết một lèo như thế này, kể lại câu chuyện của mình cho bạn nghe kèm một lời chúc, “Chúc bạn sớm có thể từ bỏ!”. 

Chúng ta đến với cuộc sống này là một đứa trẻ ngây thơ, rồi người ta đặt lên vai ta một cái đòn gánh cùng với hai cái thúng, và chúng ta bắt đầu nhặt lên những hòn đá đầu tiên của cuộc đời. Hai cái thúng mỗi ngày một nặng, và chúng ta thì cứ kiệt quệ lê lết trên con đường đời với hai cái thúng nặng trĩu. Ôi, thằng bên trái vừa nhặt thêm một hòn đá, mình cũng phải nhặt thôi. Ôi, con trước mặt nhặt một lúc hẳn hai cục đá, chả lẽ mình lại kém nó. Bạn quên mất rằng, bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn bước đi trên đường đời với hai cái thúng nhẹ nhất có thể mà. Thật lòng mà nói thì tôi cũng không biết những hòn đá bạn nhặt được nó quý giá tới mức độ nào, tôi chỉ biết rằng, với hai cái gánh nhẹ tênh, tôi thảnh thơi bước trên đường đời cưỡi ngựa xem hoa vô cùng thích thú. Bông hoa trong mắt tôi cũng đẹp hơn, hương thơm trong mũi tôi cũng đậm hơn, tiếng chim hót trong tai tôi nghe cũng hay hơn, ánh nắng trên da tôi cũng ấm áp hơn, tất cả là nhờ một đôi quang gánh nhẹ nhàng. Và tôi không cần biết bạn nghĩ gì, nhưng tôi biết chắc chắn một điều là khi nhìn tôi, trong một góc rất sâu và tối trong tâm hồn bạn sẽ nảy lên một hạt mầm ghen tị. 

“Cầm lên được, bỏ xuống được”, “Quay đầu là bờ”, “Buông dao đồ tể thành Phật”, những câu nói này chúng ta đã nghe rất nhiều, nói cũng rất nhiều, nhưng có bao nhiêu người thực sự làm được. Tôi thì lại tin rằng, những thách thức và khó khăn trước mắt của một năm Covid thứ 2 rất có thể lại chính là môi trường tuyệt vời nhất để bạn rèn luyện cho bản thân mình năng lực “từ bỏ”, nếu bạn muốn. Cuối cùng, cũng không quên chúc bạn có một năm mới nhẹ gánh hơn – Have a lighter new year! 

Bởi vì tuyết không rơi trong đêm Noel

Một trong những kỉ niệm tuyệt vời nhất có liên quan đến mùa Noel trong cuộc đời tôi chính là lần tôi được hân hạnh đóng góp một phần tâm tư của mình vào một cuốn sách dành riêng cho mùa Giáng Sinh chung với hai người bạn viết lách là Gia Đoàn và Lana Trần. Thật lòng thì tôi hiểu là nếu không có một sự yêu mến và ưu ái hoàn toàn mang tính cá nhân của hai bạn, tôi sẽ chẳng thể nào có cơ hội được đứng chung hàng với hai bạn nhà văn trẻ có tiếng như vậy đâu. Cuốn sách có cái tên thật lãng mạn, Nếu Mưa Rơi Vào Đêm Giáng Sinh, tôi nghĩ Gia Đoàn là người đã đặt cái tên đó. Mỗi người chúng tôi góp vào cuốn sách hai câu truyện ngắn của mình. Lana Trần là một cô gái tuyệt vời với một lối sống ngăn nắp và tính kỉ luật cao, đã gửi bản thảo truyện của mình từ rất sớm. Chả bù cho cả tôi và Gia Đoàn đều vật vã với deadline. Tệ nhất là tôi. Sau khi gửi được cho Gia Đoàn 5000 chữ đầu tiên của mình, tôi lên máy bay đi Hàn Quốc chơi với bố mẹ (một chuyến đi bắt buộc và đã có kế hoạch từ trước, đương nhiên, chứ tôi cũng chẳng phải người mải chơi đến thế), trong khi đã trễ deadline tới cả tuần, và hứa với Gia Đoàn sẽ hoàn thành trong 3 ngày tiếp theo đó. Kết cục thì sao: tôi được một người bạn đầy quyền lực tại sân bay Nội Bài tên Tú Ba (vâng, Tú Ba, not Tú Bà nha!) sắp xếp cho ngồi hạng thương gia của hãng hàng không số 1 thế giới Asiana trên chuyến bay qua Hàn Quốc, và thức cả đêm ngồi gõ máy tính kì cạch trên cái ghế máy bay to và thoải mái hơn cả cái giường của tôi khi đó để viết cho xong câu chuyện thứ nhất. Đặt chân tới Hàn Quốc, tôi tiếp tục giả ốm thêm 1 ngày, bỏ cả việc đi ngắm nghía cái thành phố Seoul tôi đã háo hức được ghé thăm biết bao để ngồi khách sạn trọn ngày viết nốt câu chuyện thứ 2. Vậy mà cuối cùng lúc 10h tối ngày hôm đó tôi cũng bấm gửi được câu chuyện thứ 2 của mình cho Gia Đoàn và coi như hoàn thành phần bản thảo của mình.

Năm 9 tuổi, tôi được tháp tùng bà ngoại tôi qua Đức thăm gia đình bác trai anh ruột của mẹ. Tôi đã ở đó 1 tháng, trong khoảng tháng 12 và tháng 1, và vì thế, đã được hưởng thụ mùa Noel đầu tiên ở xứ tuyết. Đó là lần đầu tiên tôi được trượt xe trượt tuyết, được lăn lộn trong tuyết, đắp người tuyết. Nhà bác tôi là một ngôi nhà khá cổ dùng lò sưởi củi, nên tôi cũng được thưởng thức luôn cái cảm giác ngoài trời lạnh như cắt mà bản thân nằm bò trên chiếc thảm len dầy cui ngay trước lò sưởi, ăn bánh quy gừng và nghe tiếng củi nổ lép bép, ngọn lửa lò sưởi chiếu đỏ rực, nứt nẻ cả hai bên má. Rồi ông già Noel tới, bấm chuông, và chúng tôi chạy ào ra cửa để “bắt quả tang” ông mà đến cái bóng của ông cũng chẳng nhìn thấy, chỉ thấy quá trời quà là quà của ông dành cho chúng tôi. Bác tôi là một người hiền hậu, hai bác không giàu có, cũng chỉ có một đứa con trai là thằng anh họ lai Đức xinh đẹp như thiên thần của tôi mà hai bác vô cùng chiều chuộng. Vậy mà năm đó, bác đã mua cho tôi số quà nhiều y hệt thằng anh họ tôi, nó có cái gì là tôi có cái đó. Tôi yêu những món quà đó lắm, ôm chúng đi ngủ đến tận mãi sau này. Và mùa Noel ở xứ tuyết, vì thế đi vào tận trong tâm khảm của tôi, in sâu vào kí ức của tôi, và chiếm hữu một vị trí vô cùng đặc biệt trong trái tim tôi. Với tôi, Noel chỉ đẹp khi có tuyết, chỉ ấm khi có lò sưởi và sô cô la nóng, và chỉ vui khi có quà bự của ông già Noel. Và vì thế, với tôi, Noel chỉ tồn tại ở xứ lạnh.

Thế rồi, tôi quay lại Châu Âu khi đi học ở Anh, háo hức chờ đợi đón một mùa Noel xứ lạnh thật tuyệt vời, và chưng hửng. Noel ở London chẳng có lấy nổi một bông tuyết, và cuộc sống của người lớn ở cái thành phố nhiều sắc tộc nhất thế giới đó bận rộn đến độ chẳng có lấy một miligram lãng mạn nào. Tôi bèn sửa lại, đối với tôi, Noel chỉ tồn tại ở xứ tuyết. Phải có tuyết mới có Noel!

Thế nhưng, những năm còn lại ở London ít ra còn được đón Noel ở xứ lạnh. Về đến Việt Nam, rốt cuộc ăn Noel hẳn ở xứ nóng cơ… Cái mùa tôi yêu thích nhất trong năm, thế là lanh tanh bành…

Và rồi, chúng tôi bàn nhau viết một cuốn truyện về Noel. Cả ba đứa chúng tôi đều đặc biệt yêu thích Noel, và có những kỉ niệm đặc biệt với Noel. Không thể viết về Noel của một thằng bé 9 tuổi, tôi lại đành lôi London và những cơn mưa mùa đông lạnh cóng của nó ra làm hồi ức. Và rồi lại phải nhăn nhó khi nhớ đến những mùa Noel rõ là lạnh nhưng chẳng có nổi một bông tuyết.

Vì tuyết chẳng mấy khi rơi vào mùa Noel ở London.

Nhưng cũng chẳng phải vì thế mà con người không cần ủ ấm cho nhau. Tuyết có lạnh đến đâu, cũng không thể lạnh bằng một cõi lòng cô đơn. Và vì thế, dù bạn đang đón Noel ở đâu đi chăng nữa, cũng xin chúc bạn (có một cõi lòng) ấm áp!

Merry Christmas!

Giáng Sinh ở London…

BỞI VÌ TUYẾT KHÔNG RƠI TRONG ĐÊM NOEL (truyện ngắn)

Đặt chân xuống tới sân bay Heathrow, Nick mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Thế là một chuyến đi công tác vô cùng đen đủi và căng thẳng cuối cùng cũng đã kết thúc. Nghĩ lại cái chuyến đi 3 ngày vừa rồi mà Nick còn thấy rùng mình. Chỉ là chuyến bay ngắn ngủn sang gặp khách hàng ở Berlin, mà nào thì chuyến bay bị delay, rồi hành lý gửi của Nick bị thất lạc, rồi thì bị tắc đường trên đường về Berlin, suýt chút nữa thì Nick đã không thể kí cái hợp đồng này chỉ vì đến muộn 3 tiếng. Cũng may mà nhờ cái miệng dẻo như kẹo kéo của Nick khách hàng mới lại chịu sắp xếp một buổi họp mới, và cuối cùng anh cũng kí được hợp đồng. Nhưng trên đường quay ngược trở lại London, xe taxi chở anh gặp tai nạn. Tuy anh không bị làm sao, nhưng thế là lại bị trễ máy bay, cuối cùng lang thang ở sân bay gần 1 ngày trời mới lên được máy bay để trở về. 

Đang kéo vali ra ngoài sảnh thì Nick nghe thấy tiếng nhạc Giáng Sinh vang lên, khiến anh thở dài. Tất cả cũng chỉ vì cái mùa lễ quỷ quái này mà chuyến đi của anh mới vất vả như vậy. Mùa nghỉ lễ cuối năm lúc nào cũng khiến cho mọi thứ giao thông đảo lộn, hàng không thì quá tải, và tất cả mọi người chuyển động với một chu kì rối loạn. 

Cũng mất gần gấp đôi thời gian so với ngày thường Nick mới bắt được taxi. Ngồi trên xe, nhìn đồng hồ, mới 2 giờ chiều. Nick quyết định rẽ qua văn phòng trước khi về nhà. Dù gì thì anh cũng đã bị về muộn một ngày so với dự định, giờ nếu không chịu khó làm nốt chút việc thì cuối tuần này lại bù đầu thôi. Làm agency quảng cáo, mùa này chính là mùa vất vả đến thương tâm nhất, việc cứ ngập lên đến tận mũi. Nhưng Nick yêu thích công việc này, và vì thế anh không bao giờ có ý định càm ràm, hay thậm chí chỉ là thở dài, về nó. Lựa chọn là của mình, có kêu ca cũng đâu có ai thương đâu cơ chứ, Nick luôn nghĩ như vậy. 

Welcome home! Nick vừa bước chân vào cửa toà nhà của văn phòng đã nghe thấy tiếng Kat, cô bé tiếp tân đáng yêu. Nick mỉm cười với Kat, Thank you!

Văn phòng của công ty Nick đang làm việc thật ra là một ngôi nhà 3 tầng nằm ngay trong khu Covent Garden, giữa trung tâm London. Nhìn từ ngoài vào thì đó chỉ làm một ngôi nhà gạch rất giản dị với phong cách như được xây trong thời gian Thế chiến 2. Nhưng bên trong của nó đã được cải tạo lại hoàn toàn theo phong cách công nghiệp tối giản với hai gam màu chủ đạo là trắng và xám, tận dụng tối đa không gian mở cho thoáng. Nhưng cũng vì thế mà tiếng của Kat vang lên tận tầng trên. Hanchin, cô bé thiết kế đồ hoạ người Hàn lập tức thò đầu qua lan can tầng 2 và kêu lên, Nick về rồi kìa!, thế là khi Nick lên đến tầng 2 thì cả team của anh đã có mặt ngay đầu cầu thang để chào đón anh. 

Em đã nghe tin vui, Kim, cô bé trợ lí của Nick bước lên phía trước và chìa tay ra đỡ giúp anh chiếc túi du lịch. Chúc mừng anh!

Chúc mừng chúng ta chứ, Nick cười. Đây chính là, không, họ chính là điều ấm áp nhất trong cuộc sống của anh tại London từ 2 năm nay – team Sáng tạo và Nội dung do anh đứng đầu. Đó cũng chính là lí do lớn nhất Nick luôn chọn quay trở về văn phòng chứ không phải về nhà sau mỗi chuyến đi. Ngôi nhà này mới là nhà của anh, và những gương mặt thân quen đang mỉm cười kia mới là gia đình của anh. 

Khi Nick vừa ngồi vào bàn làm việc của mình thì Kim đã mang đến một ly cà phê nóng hổi theo đúng sở thích của Nick. Cả văn phòng chỉ có hai anh em là người Việt, tuy Kim cũng chỉ là người gốc Việt sinh ra tại London, nhưng vì thế mà hai đứa ngay từ lúc mới gặp nhau đã có một sự gắn bó đặc biệt, bởi vậy Nick mới đòi Kim làm trợ lí riêng cho mình. 

Cảm ơn Kim, Nick vẫn giữ thói quen lịch sự.

Không có gì, Kim nhoẻn cười. Rồi theo đúng tác phong, Kim không phí phạm thêm chút thời gian nào. Trong này có biên bản một vài cuộc họp khi anh đang đi vắng, Kim chỉ vào cuốn sổ bìa da nâu của Nick. Em đã ghi chú lại một vài việc gấp bên Marketing đang đòi chúng ta, tuy nhiên em cũng đã chiến đấu với Marketing về một vài cái deadline không hợp lí. Nói xong Kim cười khúc khích. Làm phòng Sáng tạo lúc nào cũng bị các phòng khác chèn ép về deadline, thật khổ. Còn bên này, Kim nói tiếp, có mấy cái brief bên Sales đưa sang cho chúng ta xem trước, không gấp lắm, sau Giáng Sinh mới phải bắt đầu. 

Còn nữa, Kim không để cho Nick kịp phản ứng, nói liền một mạch. Đây là quà của chị Lipi, Kim cầm lên một cái túi mua hàng của hãng Superdry. Hôm nọ Lipi đi mua sắm trong Covent Garden, tiện ghé qua tặng anh cái áo này mà anh không có nhà. Lipi cũng nhắn là năm nay Lipi sẽ về nhà nghỉ Giáng Sinh sớm, nên anh liệu mà sắp xếp thời gian đi chơi với Lipi nhé. Nick cười toét miệng, có văn phòng giữa một trong những khu trung tâm mua sắm sầm uất nhất London là sướng thế này đây, cứ thi thoảng lại được bạn bè tặng quà vì “tiện đi ngang qua”. Còn Lipi, thì đương nhiên chính là Lipi một trong những cô bạn thân nhất của Nick, cô bạn thời đi học còn tự xưng là “soul mate” của Nick, hai đứa dính với nhau như sam. Dạo gần đây, đúng là vì bận quá mà hai đứa ít gặp nhau hẳn. Nick với tay lấy cái áo trong túi ra xem, một cái áo nỉ có mũ màu xanh. Lipi đúng là quá hiểu Nick, anh nghiện áo nỉ có mũ của Superdry, và anh bị cuồng màu xanh nữa. 

Cool! Nick kêu lên. 

Kim cũng mỉm cười theo tâm trạng thoải mái của Nick. 

Còn nữa. Kim lại bắt đầu nói, nhưng dừng lại giữa chừng. 

Có gì thú vị chăng mà ra cái vẻ bí mật, Nick nghĩ thầm. Anh quá hiểu cái kiểu nói chuyện câu khách của Kim. 

Hot guy alert! Kim không bắt Nick phải chờ lâu. 

Oh, có ai mới tới à? Nick thành thật tò mò. Phải để Kim dùng đến câu cảnh báo có trai đẹp thì nhân vật này chắc chắn là không tầm thường rồi. Đâu? Nick hỏi. 

Uhm, mà thôi. Từ từ đi. Kim tự nhiên như nghĩ ra cái gì đó, thay đổi thái độ. Tốt nhất là anh không nên thấy vội. Em nghĩ vụ này nguy hiểm đó. Anh cần nghỉ ngơi. 

Trời ơi cái con bé này thật là biết câu khách quá đi! Nick cười thầm. Nó biết thừa là nó nói như thế rõ ràng còn khiến Nick tò mò hơn cả mức bình thường rồi. Nhưng không, ta không tự mình chui vào cái rọ của nhà ngươi đâu. Nick mỉm cười. Okay, để sau đi. 

Mặt Kim hiện rõ vẻ chưng hửng. Okay, nói xong Kim quay lưng bỏ đi luôn. 

Ah, đi được hai bước Kim quay đầu lại. Còn có Alex gửi bưu thiếp đó. Ngay trước mặt anh ý. 

Oh. Đến lượt Nick chưng hửng. Anh nhìn lại xuống bàn, đúng là thấy có một cái bưu thiếp lạ đang nằm trên đó. Cái bưu thiếp rất đơn giản, chỉ hai màu đen trắng, và là một bức ảnh chụp một bãi tuyết trắng mênh mông. Lạnh lẽo quá. Nick cầm lên và lật ra mặt sau. “Giáng Sinh ấm áp nhé. Love, Alex” là tất cả những gì được viết ở mặt sau. 

Chúc người ta ấm áp, mà lại gửi cho người ta cả một đồi tuyết lạnh căm thế này sao? Anh thật cũng biết trêu ngươi quá mà Alex. Nick nghĩ thầm, rồi ném cái bưu thiếp vào sọt rác dưới chân. 

Đúng là không nên làm bạn với người yêu cũ. 

***

8 giờ tối. Nick vừa trả lời xong cái email mới nhất anh nhận được. Ngẩng lên nhìn, thấy cả team vẫn đang cắm cúi làm việc. Từ giờ đến lúc nghỉ Noel, team của anh vẫn còn 3 cái campaign phải hoàn thành cho tháng đầu năm mới. Với khối lượng công việc này thì chỉ e ngày nào cũng làm đến đêm mất thôi. 

Sao anh mới đi về mà không về nghỉ một chút đi? Có tiếng của Kim léo nhéo bên cạnh. 

Anh không mệt. Đi có một tí mà có gì đâu. Nick ngẩng lên nhìn Kim mỉm cười. 

Anh không về thì làm sao có đứa nào dám về chứ? Anh không thấy là vì anh mà chúng tôi ế sưng ế xỉa hết cả lên rồi đây sao? Kim dẩu môi lên. 

Nick bật cười. Anh cũng ế mà, kệ bọn em. 

Cơm Hàn hay cơm Trung Quốc để em gọi? Tốc độ đổi chủ đề của Kim quả là chóng mặt. 

Cơm Hàn đi. Cảm ơn em. 

Kim chợt nhìn sang phía xa xa bên phải. Oh, mới vô mà cũng chăm chỉ ghê ha!

Nick rướn người nhìn theo hướng Kim đang nhìn. Thì ra đó chính là hot guy alert của em đó hả?

Uhm. Kim ậm ừ. Tốt nhất là anh không nên nhìn!

Nhưng Nick đã nhìn thấy mất rồi. Ở phía đó, đang đứng trước máy photocopy là một chàng trai trẻ, người Châu Á, chắc mới chỉ ngoài 20 một chút. Chàng trai cao lớn, tầm 1m85, dáng vóc khoẻ mạnh, dù đang mặc quần áo kín đáo nhưng bằng kinh nghiệm của mình, Nick vẫn có thể nhìn thấy một cơ thể khoẻ khoắn có sự can thiệp của việc tập tành chăm chỉ. Lại nói đến quần áo, chàng trai trẻ có gu ăn mặc ra phết. Một chiếc skinny jeans đen tuyền bó chặt vào đôi chân dài và cặp đùi rắn chắc, kết hợp với áo sơ-mi trắng kẻ sọc đen, và khoác bên ngoài là một chiếc áo len cardigan nhiều màu sắc và hoạ tiết.

Quay mặt lại xem nào, Nick nghĩ thầm. 

Đúng lúc đó thì cả Nick và Kim giật mình vì nghe thấy tiếng Hanchin gọi rất to. “Justin!”

Chàng trai quay lại, nhìn về phía Hanchin và mỉm cười. 

Sao mà lại giống hệt Alex thế. Nick nghệt cả mặt ra nghĩ thầm. Kim nhìn sang Nick, thấy cái vẻ mặt của anh, bèn chép miệng. Em đã bảo mà. Thôi, chúc anh may mắn. 

Nick à, được không anh? Cả Nick và Kim lại giật mình, hoá ra Hanchin đã đến bên cạnh cả hai lúc nào không biết. Cô bé đang mỉm cười đầy ngụ ý, nhìn Nick nháy mắt, rồi quay ra vẫy nhân vật nam tên Justin ở đằng kia. Justin, ra đây chị bảo.

Nick, Kim, đây là Justin, em họ em, mới vào thực tập ở bên Marketing của mình. Justin, chào anh Nick và chị Kim đi. Nick là giám đốc sáng tạo, còn chị Kim là…

Là con ôsin của Nick! Kim cắt ngang lời Hanchin, mỉm cười rất tươi và chìa một tay ra để bắt tay Justin. 

Nick cũng lịch sự chìa tay ra bắt, nhưng cố tình không nhìn thẳng Justin, dù biết như thế thật là không lịch sự. 

Hôm nay em phải ở lại làm muộn thế? Hanchin quay qua nói chuyện với Justin. Ăn cơm tối cùng bọn chị luôn không?

Justin vẫn giữ nguyên nụ cười hiền lành trên miệng. Vâng, thế chị gọi giùm em, em ăn gì cũng được. 

Cơm Hàn luôn nhé. Kim chen vào. Để chị gọi. Nói rồi cô quay lưng bỏ đi về phía bàn của mình. Nick cũng muốn quay lại công việc, gật đầu cười nhẹ với Justin. Chào mừng em đến văn phòng. 

Em cảm ơn. Justin cũng cười lại. Nói rồi đi theo Hanchin về bàn làm việc của cô gái. 

Nick ngồi xuống, nhưng cảm thấy mình không còn năng lực để tập trung lại vào công việc. Nghĩ thế nào, Nick cúi xuống, nhặt cái bưu thiếp của Alex anh mới vứt đi hồi chiều và đặt trở lại lên bàn. 

Tôi đang rất bận, tôi đang rất bận. Nick nhắm mắt lại và niệm chú. 

***

Quá trẻ! Xin đừng! Lipi vừa nói vừa lắc đầu nguầy nguậy. Nick, mày đã từng thử, và mày đã từng thất bại. Đừng lặp lại lỗi lầm của chính mình chứ!

Nick cúi đầu. Ừ, tao biết mà. Nhưng… mày cũng biết nó là như thế nào rồi đấy. 

Lúc này, Nick đang ngồi trong quán bar Velvet ngay gần văn phòng cùng với Lipi. Cuối cùng hai người cũng tìm được thời gian để gặp nhau, một ngày trước khi Lipi trở về Manchester để đoàn tụ với gia đình cho ngày Giáng Sinh. Ngay lập tức, Nick phải cập nhật cho Lipi về những rắc rối trong văn phòng của anh gần đây. 

Cái rắc rối đó, đương nhiên là cái rắc rối cao 1 mét 85, có nụ cười hiền như một con nai, chuyên mặc áo len cardigan nhiều màu sắc và tên là Justin, chứ còn gì nữa. 

Tao không thể ngừng nghĩ về nó mày ạ. Nick đã mở đầu câu chuyện như thế. 

Mà đúng như thế thật. Kể từ ngày đầu tiên nhìn thấy cái dáng vẻ đó, và nụ cười đó, chúng đã như thể ngay lập tức in vào đầu Nick. Tới mức anh nhìn đâu cũng ra cái dáng vẻ đó và nụ cười đó. Mỗi ngày tới văn phòng, Nick lại ngơ ngẩn mong chờ cái dáng vẻ đó đến bên máy photocopy in tài liệu, để anh có thể lén lút ngắm nhìn nó trọn vẹn nhất. Rồi anh lại mong chờ tới bữa tối ăn cơm hộp tại văn phòng để có thể lén lút ngắm nhìn nụ cười của người ta. Hôm nào Justin không ở lại ăn tối là Nick cứ như người thất thần, ăn vào cũng không thấy ngon nữa. Nhưng anh tuyệt đối không đến gần, cũng không mấy khi chủ động bắt chuyện với Justin. Có hai lí do. 

Một là, một tuần sau cái lần gặp đầu tiên hôm trước, Hanchin ngượng nghịu tiến lại gần bàn làm việc của Nick. Nick ơi, em xin lỗi nhé. Làm sao hả Chin, Nick hỏi. Tại vì, uhm… em vốn là định giới thiệu Justin cho anh, nhưng bây giờ em mới biết là nó đã có bồ rồi, đang du học bên Mĩ. Cái thằng này, em ghét nó ghê cơ. Nick bật cười, Chin ơi, sao lại phải xin lỗi chứ, anh cũng đã bảo là anh sẽ lao vào ăn thịt em họ của em lúc nào đâu mà lo. Hanchin bật cười. 

Nhưng đó cũng chính là lí do thứ hai. Justin còn quá trẻ. Cậu bé chính là đang ở cái lứa tuổi yêu đương mơ mộng, lãng mạn, có thể ở cách xa nhau hàng nghìn cây số, ngày ngày nhìn ngắm nhau qua cửa sổ Skype rồi mơ mộng về một tương lai, em là công chúa, anh là hoàng tử, là đã có thể thoả mãn. Còn Nick đã ngoài 30, cuộc sống cái gì cũng thực tế đến trần trụi. Đi muộn vài phút là hỏng một cái hợp đồng vài chục nghìn bảng. Yêu đương nồng nàn thế nào cũng phải biết đặt cơm áo gạo tiền, công việc, quan hệ xã hội và hàng nghìn thứ không tên khác vào đúng chỗ của nó. Và vì thế Nick không cho phép mình xông vào và đập vỡ cái bong bóng mơ mộng của mấy đứa trẻ. 

Chuyện này chính Nick đã từng tâm sự với Lipi, và hứa sẽ không bao giờ dính vào chuyện yêu đương với người trẻ hơn mình quá nhiều tuổi nữa, nên bây giờ Lipi mới có thái độ phản đối thế kia. 

Mà này, Lipi lên tiếng, cắt ngang dòng suy nghĩ của Nick. Hôm nọ tao gặp Alex, Alex bảo là nhớ mày đấy. 

Thế mà mày cũng nghe được à? Giọng Nick đột ngột trở nên gắt gỏng. Chẳng phải chính nó đã bỏ tao để đi theo người khác, giờ lại dám nói nhớ tao?

Chính mày cũng nhận là trong chuyện đó có cả lỗi của mày mà? Là mày quá mải mê công việc mà? Lipi cũng không chịu thua, vặc lại. Chứ tao hỏi mày, ai là người đã bỏ ra cả 3 năm đại học để theo đuổi nó, yêu nó tha thiết, rồi đến khi có được nó rồi thì lại cắm đầu vào việc đến nỗi mặc kệ nó thế nào cũng được. Chẳng phải là tao chứng kiến hết từ đầu đến cuối sao?

Tao xin lỗi, Lipi vẫn chưa dừng lại. Tao là bạn mày thật, nhưng nếu là mày sai, thì tao cũng không muốn bênh mày đâu! 

Lipi? Nick hơi bất ngờ trước thái độ kì lạ của cô bạn thân ngày hôm nay. 

Tao xin lỗi, Lipi bất ngờ quay sang vòng một tay lên vai Nick. Thiệt tình tao cũng không muốn gắt gỏng với mày đâu, nhưng cứ nhìn mày cô đơn bao nhiêu năm thế này, tao cũng không dễ chịu chút nào đâu. Mày định hành hạ bản thân mày như thế này đến bao giờ chứ?

Hành hạ gì chứ? Tao vẫn đang vui vẻ mà. 

Mày! Lipi trừng mắt nhìn Nick. 

Uhm… Thôi kệ tao đi. Nick quay đi chỗ khác, không muốn tiếp tục chủ đề chẳng vui vẻ gì này.

***

Thế là xong. Nick thể hiện thái độ vui sướng của mình bằng cách gập mạnh cái máy laptop lại. Thế là đã xong hết mọi việc, sớm hơn anh dự định. Bây giờ cả anh và team của anh có thể thoải mái nghỉ ngơi mùa Noel và Năm mới rồi. 

Nick bước ra ngoài văn phòng, châm một điếu thuốc. Chỉ còn 2 ngày nữa là Noel rồi, khu Covent Garden đông đến phát khiếp. Từ cả tháng nay, ngay giữa ngã năm trung tâm của khu mua sắm sầm uất này, người ta dựng lên một cái cây thông màu trắng tinh to thật to. Vì London rất ít khi có tuyết, nhất là dịp Noel, nên người ta đặc biệt ưa chuộng trang trí Noel bằng màu trắng, coi như là tăng thêm không khí cho mùa tuyết rơi mà tuyết lại chẳng rơi. Nick há miệng, thổi ra một hơi vừa lẫn khói thuốc, vừa lẫn hơi ấm, cười mỉm. Trời năm nay rất lạnh, nhưng Noel của anh năm nay thế là không lạnh rồi. Hôm nay, Kim mới tuyên bố là năm nay sẽ không về nhà ăn Noel nữa mà sẽ ở lại London chơi với Nick. Làm sao có thể để anh trải qua cả một mùa Noel và Năm mới một mình như thế được, tội nghiệp lắm, Kim đã nói như vậy. Cùng lúc đó, Hanchin cũng mới bị huỷ kế hoạch đi ăn Noel ở Hongkong cùng gia đình, còn Justin thì cãi nhau với bạn trai nên cũng huỷ kế hoạch sang Mĩ thăm nom, cuối cùng cả hai kết luận là sẽ đến ăn Noel cùng với Nick và Kim. Bây giờ lại xong việc rồi, nên Nick chỉ còn phải lo mỗi một việc là mua sắm thật nhiều đồ ăn ngon để đãi mấy đứa thôi. Mà nấu ăn thì lại là nghề của chàng, khỏi phải lo. 

Nhìn sang cửa hàng Superdry bên kia đường, Nick chợt nghĩ ra một chuyện. Anh dập điếu thuốc, bước vào cửa hàng, chọn lấy một cái áo nỉ có mũ mà anh thích nhất. Anh cao 1m75 nên mặc size S, vậy người ta cao 1m85 chắc mặc size L thôi nhỉ. Nick mua chiếc áo, cười tủm tỉm một mình. 

Ngày 24 tháng 12, mấy đứa nhóc kéo đến nhà Nick nấu nướng xì xụp từ trưa. Justin hoá ra còn khéo tay hơn cả hai đứa con gái nên giúp được Nick rất nhiều việc trong bếp. Bốn đứa đánh chén hết nguyên một con gà tây nướng to đùng cho bữa trưa, rồi ăn quá trời quá đất bánh ngọt nữa. Đến tầm 5h chiều thì cả lũ đã say ngà ngà vì uống quá nhiều mulled wine (một loại rượu truyền thống uống trong dịp Giáng Sinh làm từ rượu vang đỏ pha với nhiều loại gia vị khác nhau và đun nóng lên), Hanchin đề nghị chơi Truth or Dare. 

Tới lượt Nick. Kim hô lên. Nói thật hay Thách đố nào?

Nói thật. Nick chọn. 

Hanchin nhanh nhảu hỏi liền. Lần cuối cùng anh ngủ với giai là khi nào?

Nick cũng không ngượng ngùng với những câu hỏi kiểu này. Vài tuần trước. 

Ối giời ơi. Kim hét lên the thé. Cái loại như anh mà nhịn vài tuần chắc cũng ngang thảm hoạ đó nhỉ. Không thể tin nổi!

Thôi tới lượt Justin, Truth hay Dare? Hanchin hỏi. 

Truth ạ. Justin trả lời dịu dàng. 

Em có thích Nick không? Kim nhảy ngay vào cuộc. 

Justin ngớ người. Nick cũng bật cười. Có ai lại đi hỏi vô duyên như cái bà chằn này không cơ chứ? Ngắc ngứ một lúc, nhưng cũng nhanh chóng lấy lại vẻ tự tin vốn có, Justin từ tốn trả lời. Nick đáng yêu mà, em nghĩ là có rất nhiều người thích Nick. 

Còn em? Kim tỏ ra nóng ruột không thể nhịn nổi nữa rồi. 

Không ngoại lệ. Justin cười. 

Nick thấy tim mình đập thiếu luôn một nhịp. Thật sao?

Hanchin phá lên cười ha hả. Chị thách em hôn Nick đấy!

Ủa vừa lượt của em rồi mà, bây giờ đến chị chứ. Justin chống chế. 

Kệ em! Chị là chị cơ mà! Bây giờ chị thách em đấy, coi như vòng sau cho em bỏ lượt. 

Nhưng mà…

Hanchin lại phá lên cười. Yên tâm, Nick dễ dãi lắm, ai hôn cũng được. 

Kim phá lên cười, Nick cũng phải phá lên cười theo. Mấy cái con bé này!

Đúng lúc đó thì Nick thấy có hơi ấm phả vào mặt mình. Quay sang, mặt Justin đã kề vào gần sát mặt Nick. Em bị thách, cho em nhờ nhé. Justin nở một nụ cười tinh ranh. 

Nick còn chưa kịp trả lời, thì đôi môi của Justin đã đè lên đôi môi của Nick. Một nụ hôn nóng bỏng và đầy nhiệt thành tuổi trẻ.

Đến tận khi môi Justin đã rời khỏi, Nick vẫn còn chưa tìm lại được nhịp thở của mình. 

Cả căn phòng im phăng phắc. Mãi một lúc sau mới nghe thấy tiếng của Kim thì thầm. That was hot!

Ừ, nóng bỏng thật. Tiếng Hanchin phụ hoạ. 

Justin im lặng. Nick cũng im lặng. 

Justin, Hanchin đột ngột gọi giật giọng. Thích hông?

Justin chần chừ, rồi ngượng nghịu gật đầu.

Nick thích hông nè? Kim hỏi. 

Nick chỉ cười. 

Hôn đi, hôn đi, hôn nữa đi. Hai đứa con gái đột nhiên gõ chiêng gõ trống hô hoán ầm ĩ. 

Nick bật cười. Nghĩ thế nào, anh quay sang nhìn Justin, rồi với tay kéo luôn Justin vào lòng và đặt lên môi cậu nụ hôn. Justin cũng không chờ nhiều hơn một giây để nồng nhiệt đáp lại. 

Hai đôi môi mềm, hai đôi môi ấm nóng, cứ quấn lấy nhau. Trời đất quay cuồng. Nụ hôn tưởng như không bao giờ dứt. 

Mà không dứt ra được thật. Nick cảm thấy hụt hơi, nên muốn buông ra để thở, nhưng hình như môi anh đã dính chặt vào miệng Justin. Nick giằng ra, nhưng không thể giằng ra được. Cùng lúc đó, anh cảm thấy như toàn bộ oxy trong cơ thể anh đang bị Justin hút hết qua đường miệng. Cơ thể Justin cũng bắt đầu trương phồng lên, hai con mắt lồi to ra, và gương mặt cậu biến dạng. Nick bắt đầu thấy tức ngực, mồ hôi túa ra. Anh muốn hét lên, nhưng miệng anh vẫn dính chặt, chỉ có thể ú ớ. 

Trong đầu anh hét lên, Cứu tôi vớiiii, trước khi anh bất tỉnh hoàn toàn. 

***

Nick giật mình tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa. Ngay lúc này, anh vẫn có thể cảm thấy cơn tức ngực khiến cho anh khó thở. Anh sờ tay lên ngực, thì ra là cái điện thoại khốn kiếp rơi trên ngực anh lúc nào, phá hỏng cả giấc mơ đẹp đẽ của anh. 

Nằm hít thở một hơi thật dài để lấy lại bình tĩnh rồi Nick mới bật dậy khỏi giường. Anh nhìn đồng hồ, 7 giờ sáng ngày 24 tháng 12. Thôi dậy đi nào, anh nghĩ thầm, dậy còn chuẩn bị nấu nướng các thứ, trưa nay là ba đứa nhỏ hẹn đến rồi. Còn phải ướp bao nhiêu là thứ đồ ăn, phải ướp lâu thì nướng lên mới ngon và mềm được. 

Nick bước vào phòng tắm, vốc một vốc nước lạnh lên mặt. Lúc chạm phải môi mình, Nick chợt nhớ lại giấc mơ. Liệu môi của Justin ngoài đời có mềm và ấm như trong mơ không nhỉ. Nick bật cười, tự thấy mình thật ngốc nghếch. Từng này tuổi đầu rồi mà còn có thể có những giấc mơ tự kỉ ám thị kiểu đó hay sao chứ!

Một lúc sau đã thấy Nick lúi húi ngoài bếp, cắt cắt thái thái. Hôm qua đi chợ mua được con gà tây ngon quá, Nick tự nhủ nhất định hôm nay phải làm ra được món gà tây nướng ngon nhất thế gian. 

Khoảng 10 giờ sáng thì Nick nghe thấy tiếng chuông cửa. Kim đã đến, mang theo rất nhiều hoa quả để làm fruit punch và mulled wine. Một lúc sau thì Hanchin và Justin cũng đến. Lúc này mùi gà nướng đã thơm lừng cả căn phòng. Ở ngoài cửa sổ nắng sáng lấp lánh, trong này ấm nồng mùi đồ ăn, mùi rượu mulled đang được đun trên nến, cả căn hộ ngập trong tiếng cười, tiếng nhạc Giáng Sinh. Nick lôi trong tủ lạnh ra một hộp bánh quy hương quế, cho vào lò nhỏ nướng nóng lên. Thế là mùi quế thơm sộc lên. Đủ rồi! Nick nhủ thầm. Giáng Sinh của anh thế này đã là quá đủ rồi, không thể mơ ước gì hơn thế này nữa. 

Ăn trưa xong, Justin giúp Nick rửa bát. Vô tình hay cố ý, tay của hai người chạm nhau rất nhiều lần. Dọn dẹp xong xuôi, vì no quá, nên cả 4 đứa quyết định ra ngoài đi bộ và uống café. Vậy là chúng ta đã không say rượu mulled và chơi trò Truth or Dare ngu ngốc nhưng đáng yêu giống như trong giấc mơ của anh đêm qua, Nick nghĩ thầm. Nhưng một ly cà phê Toffee Nut Latte vào lúc này không hề là một ý tưởng tệ một chút nào. 

Bốn đứa chọn một cái bàn ngoài trời để có thể vừa sưởi nắng, vừa hút thuốc. Vô tình hay cố ý, Kim và Hanchin cứ dính lấy nhau, nên Nick và Justin thành ra ngồi cạnh nhau. 

Eh, hai người trông đẹp đôi thiệt nha. Hanchin tự nhiên quay qua nói với Nick và Justin. 

Nick nhìn lại, thấy cũng hay hay. Hôm nay anh mặc một bộ đồ màu xanh nước biển đậm, kết hợp với quần màu xanh lá cây và giầy màu nâu. Justin thì lại mặc áo len màu xanh lá cây với quần jeans xanh đậm. Cũng ra dáng đồ đôi đó nha!

Đẹp đôi không? Là Justin hỏi, kèm theo một nụ cười. 

Đẹp! Cả Kim và Hanchin cùng đồng thanh. 

Đột nhiên, Justin đưa tay sang nắm lấy tay Nick. Anh Nick thấy sao?

Nick sững người, chẳng ngờ Justin lại có thể có hành động mạnh mẽ bất ngờ thế này. 

Thấy Nick im lặng, Justin lại cười một nụ cười rất tươi. Hôm nay là Noel mà anh Nick chưa tặng quà em! Hay anh tặng luôn anh cho em đi? Anh thấy được không?

Cũng được. Nick đã lấy lại được bình tĩnh. Nhưng chỉ với điều kiện là em cũng tặng em cho anh cơ. Nick đáp lại nụ cười của Justin bằng một nụ cười. 

Trời ơiiiiiii, vậy là họ chịu nhau rồiiiiiiiiii. Kim rú lên, Hanchin cũng rú rít theo. Rồi hai đứa con gái bật dậy khỏi ghế ngồi và nhảy múa hú hét tưng bừng, khiến cho những người đi đường phải nhìn vào thắc mắc. 

Justin quay sang nhìn Nick cười, rồi bất ngờ với người sang đặt lên môi anh một nụ hôn nhẹ nhàng. Nick với tay đặt vào sau gáy Justin, và kéo cậu bé vào một nụ hôn say đắm và cuồng nhiệt. 

Anh muốn Justin biết trong nụ hôn của anh rằng, anh đã chờ đợi ngày này rất lâu rồi.

Hai con quỷ con kia nhìn thấy thế thì lại càng hú hét tợn. 

Đúng lúc này thì trên loa ngoài trời của quán café vang lên nhạc bài All I Want For Christmas Is You của Mariah Carey. Justin bèn rời môi khỏi Nick, kéo anh ra khỏi chỗ ngồi để đứng lên và nhảy múa cùng với Kim và Hanchin. Thế là cả bốn đứa cứ đứng giữa đường nhảy nhót và hát theo ca khúc tình yêu ngọt ngào nhất của mùa Noel, tay Justin nắm chặt tay Nick. 

Trong lòng Nick trào lên một nỗi xúc động và phấn khích lớn lao. Có lẽ suốt hơn 30 năm cuộc đời của anh, hôm nay chính là ngày ngọt ngào và đáng yêu nhất anh từng trải qua. 

Đúng lúc này thì tuyết bắt đầu rơi. Ngay khi phát hiện ra điều này, Kim là đứa đầu tiên hét lên sung sướng. Nick cũng không kiềm chế được cảm xúc, hét lên theo Kim. Ở London đã gần 10 năm, đây là lần đầu tiên Nick chứng kiến tuyết rơi vào đúng ngày Giáng Sinh. 

Thế nhưng, tuyết vừa bắt đầu rơi, nhưng lại rơi rất nặng và rất mau. Dần dần xuất hiện cả những bông tuyết to bằng bàn tay, rồi to bằng đầu người. Nick hốt hoảng, cơn mưa tuyết này không bình thường chút nào. Anh kéo tay Justin và Kim, hét lên, Hãy cẩn thận, rồi muốn kéo tất cả mọi người vào trong nhà. Nhưng đúng lúc này thì một quả bóng tuyết lớn gần bằng cái nhà rơi ụp xuống, nhấn chìm cả Justin và Hanchin. Nick gào lên lạc cả giọng, lao vào đống tuyết đào bới bằng hai bàn tay trần. Một quả bóng tuyết khác rơi xuống đúng chỗ của anh, và nhấn chìm nốt cả Nick, khiến anh ngất lịm. Trước khi ngất đi, anh chỉ còn một cảm giác duy nhất là lạnh buốt khắp toàn thân, tới mức tê tái. 

***

Nick ú ớ hét lên và bật dậy. Toàn thân anh ướt đẫm mồ hôi. 

Thì ra chỉ là một giấc mơ khủng khiếp. Một giấc mơ rất đẹp, mà lại có cái kết cục quá khủng khiếp. Nick vội vàng chạy vào buồng tắm, vốc nước lên mặt cho tỉnh táo trở lại. 

Khoan đã, hành động này sao quen quen? Lúc nãy, trong giấc mơ khủng khiếp vừa rồi, hình như anh cũng đã có một hành động vốc nước lên mặt như thế này, sau khi… uhm, cũng thức giấc từ một giấc mơ khủng khiếp khác. Ôi, là sao? Là mơ ở trong mơ sao? Thế thì liệu đây đã là thực chưa, hay vẫn là một giấc mơ khác? Nick véo thật mạnh vào tay mình. Ôi, đau. Vậy thì đây là thật rồi. Nick bật cười, cảm giác như mình chính là nhân vật của Leonardo di Caprio trong bộ phim Inception. Giờ trình độ tự kỉ của mình đã lên đến mức lại có thể mơ ở trong mơ nữa, thật là kì cục quá rồi. 

Nick trở lại phòng ngủ, nhìn đồng hồ. Thôi chết, đã 9 giờ sáng ngày 24 rồi. Trưa nay Kim và Hanchin hẹn đến ăn với anh mà anh chưa chuẩn bị gì cả. Kim đã rất đáng yêu, đòi ở lại London để mừng Giáng Sinh với anh vì sợ anh cô đơn. Còn Hanchin cũng đã lỡ chuyến đi ăn Noel ở Hongkong với gia đình nên ở lại London, thành ra gia nhập nhóm những người ăn Noel cô đơn ở London với anh và Kim luôn. Nick cuống cuồng thay quần áo rồi mò ra bếp. Đúng lúc này thì điện thoại của anh báo có tin nhắn mới. 

Là của Kim. Nick ơiiiiii, em xin lỗi nhé. Em không ở lại London với anh được rồi. Hôm qua em gọi cho mẹ bảo không về, bà khóc quá trời quá đất, em chịu không nổi, nên sáng nay đã lại phải lên tàu từ sớm rồi. Xin lỗi baby nhé. Em chúc anh Giáng Sinh vui vẻ. 

Nick tặc lưỡi, cũng phải thôi. Kim có cả một gia đình đang chờ mong, đáng ra ngay từ đầu anh đã không nên vì ích kỉ mà giữ cô lại như thế. Đáng ra anh còn phải khuyên cô là cứ về nhà đi chứ. Chẳng ra dáng sếp gì cả. 

Nick nhắn lại. Đương nhiên rồi, em nên về nhà không bố mẹ mong. Cho anh gửi lời chúc cả gia đình Giáng Sinh vui vẻ nhé. Hôn lên má mẹ giùm anh. 

Em cảm ơn. À, Nick ơi, Hanchin nhắn anh check mail đó. Kim nhắn lại. 

Lại gì đây, Nick nhăn nhó mở hòm mail. 

Nick ơi, em Chin Chin đâyyyyy. Giáng Sinh vui vẻ baby ơiiiii. Lúc em viết mail này cho anh em đang ở sân bay. Hôm nay Justin bay qua Mĩ, và nó đã rất khốn kiếp dụ dỗ em bằng một cái vé máy bay miễn phí để đi cùng nó. Làm sao em có thể từ chối đâyyyy. Trời ơi. Thế là bây giờ em đang chuẩn bị lên máy bay với nó đây. Em sẽ về với baby sớm nhất có thể nhé. Em xin lỗi vì đã lỗi hẹn với anh. Nhưng sẽ có quà cực hoành tráng từ Mĩ khi trở về cho anh nhé. Hôn baby. 

Nick bật cười. Trời ơi, thì ra là một lũ giở mặt có kế hoạch. Thôi cũng đành, vui cho bọn nó vậy. 

Nick uể oải ra bếp, vứt con gà tây vào lò nướng. Rồi lại ngồi ăn một mình, kì cạch mãi mới hết được một cái đùi gà to đùng. Đến chiều, ngồi nhà mãi chẳng biết làm gì, Nick cũng lếch ra đường uống một cốc cafe. Toffee Nut Latte hôm nay hơi nhạt. 

9 giờ tối, Nick đang ngồi một mình trong căn hộ của mình. Anh đang xem chương trình mừng Giáng Sinh trên tivi, và đã uống hết 3 ly rượu mulled wine nóng hổi. Nick bật cười thầm bản thân, cảm thấy mình sao giống hệt một ông già 70 tuổi, sống một cuộc sống quá là buồn bã. Cũng chỉ quá mải mê công việc mà anh không thèm lên kế hoạch đi du lịch mùa Giáng Sinh. Anh cũng ghét phải chen chúc tại tất cả các sân bay trên thế giới vào những ngày này nữa. Thì đây là cái giá của nó đây. 

Tuyết chẳng bao giờ rơi vào ngày Noel ở London, và mùa Giáng Sinh cũng không có bất cứ một điều kì diệu nào cả. Đã làm người lớn, thì phải chấp nhận cô đơn. Và những giấc mơ, thì mãi mãi chỉ là những giấc mơ mà thôi. 

Nick đứng dậy, rót cho mình một ly mulled wine thật đầy. 

Đúng lúc đó thì có tiếng chuông cửa. 

Hả? Nick nghe thấy tiếng mình tự hỏi thành tiếng luôn vì quá ngạc nhiên. Ai có thể bấm chuông nhà anh giờ này chứ. 

Đứng trước là Alex. Nick hoàn toàn sửng sốt.

Chào em. Alex mỉm cười, cái nụ cười hiền lành đã từng in sâu trong tâm trí Nick.

Anh đang làm cái quái gì ở đây vậy? Nick hỏi, nhưng trong giọng nói không hề có ý gay gắt. 

Đến để chúc em Giáng Sinh vui vẻ đây. Alex giơ tay lên, trong tay anh là một chai rượu vang và một bọc giấy. Cho anh vào được chứ. 

Nick ngần ngừ bên ngưỡng cửa, rồi cũng đứng tránh sang một bên. 

Anh mang theo rượu, tất nhiên là em không thiếu rượu. Nhưng đây là Pinot Noir của Argentina, loại em thích nhất đấy. Alex hồ hởi tiến thẳng vào bếp. 

Còn đây, đây là bánh quy vị gừng và quế, cũng là loại em thích luôn. Còn nóng hổi đây này. 

Alex, tại sao?

Alex quay lại nhìn Nick. 

Lúc nãy anh đang ngồi ở nhà bố mẹ, chuẩn bị ăn tối thì thấy trời bắt đầu có tuyết rơi. Mà tuyết rơi ở chỗ nhà anh, thì chắc chắn sẽ rơi ở London. Chưa bao giờ tuyết rơi vào đêm Noel ở London cả. Và em thì đã luôn mong ước có một đêm Noel tuyết rơi. Và anh thì quá ích kỉ, không thể để em ăn mừng đêm Noel có tuyết rơi một mình được. 

Alex vừa thao thao bất tuyệt, vừa nhanh tay mở gói bánh ra đặt lên đĩa. Thấy Nick im lặng, anh mới quay lại. 

Nick đã khóc. 

Alex lao tới ôm chầm lấy Nick. Anh xin lỗi.

Nick không nói được gì, chỉ khóc nức nở. 

Ngoài cửa sổ, đúng là đã có những bông tuyết đầu tiên rơi xuống. 

***

Sau khi Nick đã bình tĩnh lại và vào phòng khách ngồi, Alex tranh thủ lúc vào bếp lấy rượu và bánh một mình, đã lấy điện thoại ra nhắn một cái tin. Kim ơi, cảm ơn em. 

Trong một ngôi nhà nhỏ ở đâu đó ở Brighton, có một cô gái gốc Việt vừa nhận được tin nhắn thì đã hét lên đầy vui sướng, Mẹ ơi, hôm nay con được đóng vai cô tiên ban phép màu cơ đấy!

Fri 30 July, 2020: Let’s Make Love and Listen to Death From Above

(Có link nghe nhạc ở cuối bài)

2006, có một chàng trai đang quần tụt, giầy trượt ván, nón hip-hop các kiểu bị ném một cách phũ phàng vào thế giới của skinny jeans, áo thun cổ tim bó chẽn, bốt da vòng xích các kiểu. Và thế là, từ một cậu bé ngây thơ nhún nhảy theo nhạc teen-pop vô hại và hip-hop thương mại của bọn Mĩ, chàng đã dần dần lún sâu vào vũng bùn đen tối và biến thái của indie rock và indie electro của bọn Đế quốc Anh. Từ một em bé hồn nhiên hát theo những ca khúc có cái tên đầy trong trắng như Hit Me… Baby One More Time, giờ cậu nghe mấy bài kiểu như Let’s Make Love and Listen to Death From Above (hự!) – chỉ cần nghe cái tên thôi là thấy hai thế giới âm nhạc thuộc về hai cực thế giới chưa hả trời!

Thế đấy, thế giới những năm 2000 của tôi rất dễ miêu tả: nó được chia làm 2 phần rất rõ ràng – một nửa trước London, và một nửa kể từ London. Ngày đầu tiên đặt chân xuống đất London, việc đầu tiên tôi làm sau khi đã khệ nệ bê xong 3 cái vali to đùng về nhà bạn là chạy ra Oxford Circus, ghé vào cửa hàng Topman, và sắm cho mình chiếc quần skinny jeans đầu tiên trong cuộc đời. Một cách hoàn toàn tình cờ, chỉ vì đi trên đường thứ duy nhất tôi nhìn thấy tất cả mọi người mặc là skinny jeans. Tôi không hề biết rằng, đó chính là bước đi đầu tiên của chính mình vào một con đường hoàn toàn sai lầm không có cách nào cứu vãn…

Đi học được chừng 1 tuần thì tôi phát hiện ra các loại hình câu lạc bộ sinh viên của trường. Và có một câu lạc bộ mà tôi chưa từng nghe tên bao giờ bắt mắt tôi: câu lạc bộ LGBT. LGBT là cái quỷ gì, tôi tự hỏi? Chỉ vì tò mò, ngày hôm đó tôi đã ở lại trường đến tận 8 giờ tối để tham gia buổi gặp mặt đầu năm của câu lạc bộ LGBT đó, để rồi được biết rằng LGBT chính là viết tắt cho Lesbians Gays Bisexuals & Transsexuals. Tối hôm đó, tôi đã háo hức lao về nhà và viết một bài thật dài về LGBT gửi ngay cho báo Sinh Viên – đúng rồi, trong suốt 1 năm đầu du học, tôi vẫn là cộng tác viên rất đều đặn của báo SVVN và Hoa Học Trò. Và đến giờ tôi vẫn tin rằng mình chính là người đầu tiên viết bài về khái niệm LGBT ở Việt Nam, thông qua bài viết đêm hôm đó.

Cũng từ cái câu lạc bộ LGBT đó, tôi gặp và trở thành bạn của Kym, một cô bé lesbian người Anh gốc Malay cực kì đáng yêu, và rồi tiếp tục gia nhập nhóm bạn của cô – một nhóm bạn gồm 5467 các cô bé lesbian khác! Haha, vâng, tôi, một thằng con trai lù lù, trong suốt hơn 2 năm sau đó, đã gắn bó không rời với một nhóm toàn các cô gái yêu con gái. Tôi luôn coi đó là một tình bạn rất đặc biệt, bởi vì chính tôi chứng kiến, các cô gái lesbian không chơi với con trai, cũng không chơi với các chàng gay. Họ chỉ chơi với nhau! Vậy mà họ lại chịu chơi với tôi, thậm chí yêu quý tôi vô cùng. Vì một lí do quái gở nào đó chỉ có trời mới biết, tôi lại hợp gu với mấy cô gái này vô cùng, đến mức họ từng tuyên bố rất thẳng thắn, “Nick, you’re one of us!” Hahahaha!

Trong tất cả các thú vui của chúng tôi, có một hoạt động hàng tuần thuộc dạng hoạt động truyền thống bắt buộc, thậm chí được các cô gái coi như là một dạng hoạt động thần thánh, có tính linh thiêng: đi nhảy ở Ghetto vào tối thứ Năm. Ghetto là một cái indie club vô cùng chật hẹp và bẩn thỉu và hôi thối, nằm ở dưới tầng hầm của một toà nhà cũ kĩ ngay sau lưng ga tàu điện ngầm Tottenham Court Road. Có 2 con đường dẫn tới Ghetto, một từ ngoài mặt đường cạnh ga tàu, một từ phía Soho Square, thì cả hai con đường đều ngập ngụa trong mùi nước đái của bọn say rượu. Thực sự là một khung cảnh kinh tởm vô cùng. Thế nhưng đó lại là một thiên đường đối với bọn trẻ con chúng tôi lúc đó, vì nhạc ở Ghetto hay khủng khiếp và rượu ở Ghetto rẻ đến đáng sợ. Từ thứ Hai đến thứ Năm, mỗi tối Ghetto đều có một party với chủ đề riêng, miễn phí vé vào cửa cho tất cả mọi người, và tất cả các loại rượu đều mua 1 tặng 1. Thế nên trong những ngày tháng đó, bạn có thể gặp toàn thể giới sinh viên nghèo rách đít mà lại sành nhạc của đất London tại Ghetto, bất kể giới tính. Thế nhưng, thứ Năm là một ngày đặc biệt, ngày “linh thiêng” của giới lesbian mầm non – tức mấy cô gái bạn tôi đó. Bởi vì thứ Năm là đêm party dành riêng cho giới lesbian, nhưng quan trọng hơn nữa là được host bởi một cô nàng DJ cực kì nổi tiếng trong giới, và cô nàng này chơi nhạc cũng cực kì hay. Bởi vậy, riêng đối với nhóm chúng tôi, có mặt tại Ghetto vào đêm thứ Năm hàng tuần gần như là một việc làm bắt buộc. Và nghĩ lại thì tôi e rằng trong suốt 3 năm ở London, hình như số lần tôi không có mặt tại Ghetto vào đêm thứ 5 khéo đếm chưa hết một bàn tay. Đến mức đó cơ mà!

Lần đầu tiên tôi đi Ghetto cùng Kym và nhóm bạn, tôi còn đơ hơn một con ngỗng. Nguyên một đêm, tôi gần như không nhận ra bất cứ một bài hát nào ngoài Somebody Told Me của The Killers. Hãy tưởng tượng, chúng ta đang nói về Nick D., trung tâm của mọi bữa tiệc, của tất cả các club mà anh ta từng đến ở Hà Nội hồi đó đó! Thế giới của tôi chao đảo, đầu óc tôi quay cuồng! Đêm hôm đó tôi cuối cùng cũng được biết thế giới hoá ra còn có một bài hát tên là Fuck the Pain Away!

Ha! Ha! Ha!

Đêm hôm đó, tôi quyết định lao vào thế giới của Kym, của những cô gái lesbian chất vãi cả đái của nước Anh, của skinny jeans và bốt da cao tới cổ chân, của những bộ đồ bó chặt tuyền một màu đen và chỉ màu đen mà thôi, của indie rock, và indie electro – những thứ âm nhạc chỉ tôn trọng một thứ duy nhất: cá tính của người nghệ sĩ. Đêm hôm đó, tôi chính thức đặt chân vào một thế giới không hề có sự tồn tại của sự khoan nhượng, đối với chính trị, đối với các quan niệm cổ điển, đối với sự thương mại hoá.

Những ngày đầu tiên, tôi đã rất lúng túng. Giống như khi mới chuyển từ mặc quần tụt sang mặc skinny jeans, và bạn cảm thấy vướng víu với sự bó chặt của nó vậy đó, tôi bảo với Kym, “tao thực sự không hiểu tại sao bọn mày lại có thể thích cái thứ nhạc khó nghe như thế này”. Tôi đã quá quen với thứ âm nhạc có cấu trúc rõ ràng, có giai điệu đơn giản dễ hiểu và dễ nhớ.

Kym cười với tôi, “Nick à, đừng nghe nhạc bằng tai nữa. Nhạc, không phải để nghe bằng tai”. “Mày điên à, nhạc không nghe bằng tai thì nghe bằng gì?” Tôi vặc lại. “Tao cũng không biết nữa, nhưng mày cứ thử nhắm mắt lại, giang hết cả tay chân mày ra, và để kệ cho âm thanh cứ theo lỗ chân lông của mày mà ngấm vào trong máu mày chẳng hạn…”, Kym nói, một cách thành thật.

Nghe thật ngu xuẩn, tôi nghĩ thầm. Vậy nhưng, một cách âm thầm, hình như tôi đã làm đúng như cái cách Kym nói. Và rồi không biết từ lúc nào, cái thứ âm nhạc khó nghe đó đã bắt đầu ngấm vào trong máu tôi luôn mất rồi thì phải. Tôi bắt đầu cảm thấy không thể sống thiếu nó, và những tiếng gằn của guitar hay tiếng đập của trống khiến tôi cảm thấy máu mình nóng lên, giống như có một ngọn lửa nhen nhóm chảy theo dòng máu trong người mình. Đây cũng là lí do chính khiến tôi xa rời hoàn toàn các thể loại nhạc mainstream pop, R&B và hip-hop thời kì này, vì chúng không đốt được ngọn lửa đó lên trong tôi.

Tôi, cuối cùng, đã đi lạc hoàn toàn trong cái thế giới tăm tối của chủ nghĩa cá nhân cực đoan của nhạc indie. Tôi, cuối cùng, cũng tin vào cái gọi là cá tính riêng, vào sự độc đoán cá nhân, vào khát vọng, đam mê và ước mơ, vào sự bốc cháy và sự thoả mãn vì được bốc cháy. Những ngày tháng đó, tôi đã thực sự bốc cháy.

Khi tôi trở về từ London, tất cả những người quen cũ của tôi đều cảm thấy có gì đó rất không đúng về tôi. Từ một chàng trai luôn vui vẻ và hớn hở, tôi trở nên ít nói hơn, đôi khi có vẻ gắt gỏng hơn. Tôi cũng trở nên cực đoan hơn trong các lựa chọn của mình. Đáng sợ nhất là, tôi luôn đòi hỏi quá nhiều, yêu cầu quá cao, đối với tất cả mọi người. Tới mức, có những người từng thân thiết muốn xa lánh tôi. Tôi trở thành một thứ nhạc khó nghe đối với mọi người. Lúc ban đầu, tôi đã hết sức cố gắng để lôi kéo bạn bè, người thân, mọi người, cùng nghe thứ nhạc này với mình, cùng cháy với mình. Tại sao không chứ? Tôi cũng đã từng là một hòn than đá lạnh lẽo, an toàn, rồi bén lửa, rồi dần dần cũng mới bốc cháy cơ mà. Nhưng rồi tôi nhận ra một sự thật khá đau lòng. Ở London, than thì ít, lửa thì nhiều, dưới sức nóng hừng hực của ngọn lửa lớn bằng cả một quả núi lửa thì dăm ba cái hòn than tí hon như tôi thật dễ dàng bốc cháy. Ở Việt Nam thì lại ngược lại, lửa quá ít, than lại quá nhiều. Ngọn lửa ở đây chỉ lom dom như cái bếp lò, để nướng ngô sưởi tay thì đủ chứ để nung than cho cháy thì chỉ sợ than không những không bén, mà còn chất lên cao quá cuối cùng tịt luôn cả ngọn lửa…

Sau nhiều năm, cuối cùng tôi cũng mài được cho bản thân mình tròn lại. Quay trở về mainstream, tôi thản nhiên nghe nhạc Teen-Pop, ngâm nga theo cả K-Pop chứ chẳng đùa. Đã không có lửa, thì cũng chẳng cần phải cứ khao khát bốc cháy để làm gì. Như nhạc Trịnh Công Sơn đã viết đấy thôi, cứ làm hòn đá cuội mà vui bên đời cũng được mà. Nhưng rồi vẫn sẽ có đôi lúc như hôm nay, ngồi làm một cái list nhạc cho những năm 2000s, cuối cùng không nhịn được, lại bê nguyên cái mớ indie rock với indie electro giấu kĩ trong lòng ra nghe. Rồi lại thấy mừng, may quá, bây giờ chúng chỉ còn đủ để nhóm lên trong lòng một vài kỉ niệm yêu thương của một thời tuổi trẻ, chứ không còn đủ mạnh để bật ra tia lửa nào trong tim mình nữa rồi, đỡ lại phải mất công ngồi dập lửa.

Thì ra, mình đã mài mình nhẵn thín đến thế…

Click vào đây để nghe playlist những năm 2000s của mình nhé.

Sat 11 July, 2020: Nếu có một thứ đồ ăn có thể được coi là vĩ đại thứ nhì sau đồ ăn Việt Nam, thì đó chính là spaghetti

Hãy cùng nhau nói về món spaghetti, món mì sợi của nước Ý.

Tôi có một tình yêu vô cùng đặc biệt với spaghetti. Lí do đầu tiên, hết sức đơn giản: nó cực kì dễ nấu. Những năm tháng sống một mình giữa đất London là những năm tháng miệt mài ăn spaghetti của tôi. Một gói mì 500g sẽ được nấu lên cùng với khoảng 300g bò băm, 5 trái cà chua tươi và nửa lọ sốt cà làm sẵn, chia thành 3-4 bữa, nhét trong tủ lạnh. Vâng, đó chính là món mì bolognese đông lạnh tự làm, và tôi có thể ăn nó liên tục mỗi ngày trong ít nhất là một tuần liên tiếp. Ngán thì cũng có ngán đấy, nhưng nó thực sự là cái thứ bữa ăn rẻ nhất, dễ làm nhất, dễ bỏ tủ lạnh nhất, dễ hâm lại nhất và dù có để đến 3-4 ngày trong tủ rồi thì khi hâm nóng lại vẫn thơm ngon lừng lẫy như thường, thế nên nó cũng chính là cái bữa ăn phù hợp nhất với cuộc sống độc thân và tự lập của một thằng trai trẻ lười biếng.

Khi về Việt Nam, tôi đã khá bất ngờ khi phần lớn mọi người đều quan niệm rằng món mì spaghetti là một món đồ ăn Tây phương tương đối cầu kì, và nhiều người cực kì rụt rè trong việc thử làm nó. Xuất thân từ một gia đình mà đến mì gói cũng được nấu trong nồi với đầy đủ thịt rau chứ tuyệt đối không được ăn mì úp thì đối với tôi nấu spaghetti có lẽ cũng chỉ hơi phức tạp hơn nấu mì gói một chút xíu mà thôi, mà khâu cầu kì nhất của nó có lẽ lại là khâu đi mua và chuẩn bị nguyên liệu. Còn thì, nếu bạn đã có đầy đủ nguyên liệu trong tay, việc nấu ra một đĩa spaghetti nóng hổi thơm phức ngon lành là chuyện dễ ẹt. Hãy để tôi chỉ bạn.

Thế này nhé, trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu bản chất của spaghetti. Nói một cách dễ hiểu, ở phương Tây, spaghetti chính là một dạng “cơm trắng” ở phương ta, tức là mì spaghetti cũng chính là một món ăn tinh bột làm nền cho các món ăn mặn khác y hệt như cơm của chúng ta vậy đó. Tuy nhiên, nếu so spaghetti với cơm Việt Nam thì nói thật là spaghetti nấu còn dễ hơn rất rất nhiều. Nói như vậy, bạn đã thấy nó đỡ “đáng sợ” hơn chưa?

Tiếp tục nhé, vậy spaghetti giống cơm Việt Nam như thế nào, và dễ hơn cơm Việt Nam ở chỗ nào? Để tôi cho bạn một ví dụ. Hồi trước khi còn hay lang thang ở quận 1, tôi khá thường xuyên ngồi ở quán L’Usine Đồng Khởi, và nhất định sẽ chọn ngồi ở cái ban công ngoài trời nhìn xuống Nhà Hát Thành Phố. Và có rất nhiều lần khi đến quán vào đúng giờ ăn, tôi sẽ gọi món Spaghetti with Meatballs and Tomato Sauce – món này ở L’Usine Đồng Khởi làm rất được đấy. Chỉ khoảng 10 phút sau khi order là trước mặt tôi sẽ xuất hiện một đĩa mì spaghetti tú hụ với thứ nước sốt cà chua nhà làm đỏ tươi lóng lánh mỡ màng vô cùng khêu gợi cùng với chừng 3 cục thịt viên to bằng cái nắm tay em bé. Đồ ăn Ý nổi tiếng nhất là các món rau gia vị đi kèm, và món này sẽ thường được trang trí (và ăn cùng) với vài lá húng quế tươi. Bạn tưởng tượng ra chưa, bạn đã tưởng tượng ra cái đĩa mì được bày biện vô cùng khéo léo cùng với những chiếc lá gia vị trang trí đầy tinh tế bên trên mà chúng ta vẫn thường thấy trong các nhà hàng chưa? Dạ vâng, trên thực tế cái đĩa mì đó có khác gì món cơm xíu mại vô cùng bình dân của nhà ta đâu cơ chứ! Nghĩ mà xem, dưới cùng là một lớp tinh bột, lăn lộn bên trên là dăm ba viên xíu mại (thịt băm viên – meatballs) mỡ màng núng nính, tưới tắm ngập ngụa trong cái thứ nước sốt cà chua sền sệt chua chua ngọt ngọt chỉ nhìn thôi đã muốn tứa nước bọt. Món này mà cắt thêm một ít lá rau mùi lên trên là tuyệt sắc. Thấy không, thấy không, spaghetti của Ý, thực ra chính là CƠM BÌNH DÂN nhà ta đó. Thêm một thực tế nữa (mà tôi được chứng kiến ở Hà Nội) là chúng ta đã lớn lên chỉ với đúng hai món mì Ý duy nhất: Bolognese (mì Ý sốt cà chua bò băm) và Carbonara (mì Ý với sốt kem và thịt xông khói) – cái này chủ yếu là lỗi của dãy nhà hàng Pepperoni’s và Al Fresco’s ở Hà Nội – thành ra chúng ta đã có ấn tượng rằng mì Ý spaghetti là một món ăn chuyên biệt gì đó thật ghê gớm. Ồ không, không hề. Giống với cơm nhà ta, mì Ý cũng có thể được ghép với hàng nghìn các món đồ ăn mặn khác nhau, sinh ra hàng nghìn các chủng loại món mì Ý khác nhau, tuyệt đối không có giới hạn. Thế nên, speghetti không phải là cơm bình dân, thì còn là cái gì được nữa!

Thế nhưng, sao lại bảo mì Ý còn dễ nấu hơn cơm? Là vì, tuy rằng có hàng nghìn chủng loại khác nhau, nhưng về cơ bản thì cách nấu mì Ý có những nguyên tắc nhất định, cũng có những thành phần cơ bản nhất định. Vì thế mà nó dễ xử lí hơn cái món cơm với hàng triệu các món đồ ăn kèm bất quy tắc của chúng ta rất nhiều. Nhất là khi, có khá nhiều các thành phần cơ bản mà quan trọng của món này còn được làm sẵn, đóng hộp hoặc đóng chai, bán đầy trong các siêu thị và chúng ta chỉ cần mua về, đổ vào chảo, đảo lên và voila, bữa ăn đã sẵn sàng. Thế thì hỏi có dễ không nào? Chưa kể việc nấu chín những sợi mì spaghetti cũng nhanh và dễ hơn việc nấu cơm rất nhiều nữa (nó cũng không cần đến một loại nồi nấu chuyên biệt như cơm cần có nồi cơm điện nữa kìa). Giờ thì bạn đã sẵn sàng để bắc bếp lên và nấu một đĩa spaghetti tú hụ cho chính mình?

Hôm nay thì mình sẽ hướng dẫn các bạn nấu một món spaghetti mà mình rất yêu thích: spaghetti với tôm sú sốt kem bơ chanh. Mình chưa từng ăn món này ở đâu, nên cũng không biết là nó có tồn tại ở nhà hàng nào đó trên thế giới này không. Còn thì mình bắt đầu làm món này là do mình tự bịa ra đấy, vì mình thích ăn tôm sú sốt kem bơ chanh, và mình thấy là nó có thể ăn với mì spaghetti, tại sao không, và thế là mình bèn ghép đôi chúng với nhau. Bất ngờ thay, mà thật ra là chẳng bất ngờ một tí nào, chúng trở thành một cặp đôi đẹp hoàn hảo, tạo nên một trong những món mì mình thích làm và thích ăn nhất. Bắt đầu làm nhé. À, chú thích là mình hướng dẫn để nấu cho 2 người ăn nha.

Nguyên liệu chuẩn bị:

Tôm sú: càng to càng ngon, bao nhiêu thì tuỳ thích. Bạn thích nấu 2kg tôm sú cho 2 người ăn cũng không ai cấm được bạn mà.

Mì: Chú ý mua đúng loại mì tên là spaghetti là đúng sợi nha. Một gói mì thường là 500g, nấu ở nhà thì thường sẽ nấu 100g/người nha. Một chú ý rất quan trọng là mỗi hãng mì sẽ làm ra độ rắn của sợi mì khác nhau, và vì thế người ta sẽ luôn có ghi chú thời gian nấu chuẩn cho sợi mì của hãng của mình trên bao bì. Thế nên hãy nhớ kiểm tra thời gian nấu cho loại mì của mình trước khi vứt cái bao bì đi nha. Thêm một chú thích nữa là thời gian nấu đó là tính từ khi nước bắt đầu sôi và ta thả mì vào nồi nhé.

Cooking cream: kem tươi dùng để nấu ăn. Nguyên liệu này rất quan trọng để làm ra cái sốt kem, nên không thể thiếu nha. Để nấu cho 2 người thì chỉ cần mua loại hộp nhỏ 200ml thôi nha.

Các gia vị đi kèm: Tỏi băm (khoảng 3 thìa cà phê), bơ nhạt (unsalted butter nha – khoảng 100g), muối, tiêu xay, phô mai rắc (dạng sợi nhỏ hoặc bột mịn), dầu olive, 2 trái chanh xanh vắt sẵn (nếu dùng chanh vàng thì chỉ xài 1 trái thôi nha).

Đầu tiên, hãy bắc một nồi nước lên. Chọn loại nồi to khoảng 8-10 lít nha, nhưng chỉ cho khoảng 1 lít nước vào nồi thôi rồi đun sôi. Khi nước đã sôi thì bỏ mì vào và bắt đầu tính giờ. Cùng với mì, hãy bỏ thêm một nhúm muối (khoảng 1/2 thìa cà phê) và dầu olive (khoảng 3 thìa cà phê) vào nồi nước để mì đậm đà hơn và không bị dính vào nhau. Khi còn khoảng 2 phút nữa là hết thời gian nấu mì quy định trên bao bì, hãy bắt đầu kiểm tra mì. Lấy đũa gắp một sợi mì ra, lấy ngón tay cấu sợi mì để kiểm tra độ chín, còn độ rắn-mềm thì tuỳ thuộc vào khẩu vị của bạn nhé. Thường thì nếu bạn muốn ăn mì còn sần sật, hãy vớt mì ra sớm 1 phút. Còn nếu bạn muốn ăn mềm một chút thì lấy ra muộn chừng 1-2 phút cũng được, nhưng tuyệt đối không để quá hơn 2 phút vì mì sẽ bị quá nhũn. Về kinh nghiệm của mình thì đối với mì đóng gói nên ăn mì mềm, bạn chỉ nên ăn mì sần sật khi ăn mì tươi ở những nhà hàng cao cấp thôi. Rồi, đối với việc vớt mì cũng cần chú ý như sau: bạn lấy cái gắp đồ ăn để gắp mì thật nhanh ra một cái rổ và để ráo nước, còn lại nước luộc mì ở trong nồi cũng giữ nguyên đó, chút nữa sẽ dùng để nấu chung với mì trong chảo.

Giờ mời bạn bắc một cái chảo bự lên, bỏ vào một chút dầu olive cùng với tỏi băm, xào tới khi tỏi thơm lừng thì bỏ tôm vô và đảo nhanh tay. Nếu lúc này bếp đang nóng quá khiến tỏi cháy xèo xèo thì bạn sẽ cần bỏ một chút nước vào chảo để tỏi không bị cháy – lúc này hãy dùng chính cái nước luộc mì bạn đã để lại vừa rồi đó. Cùng lúc này, hãy bỏ bơ vào và đảo tôm cùng bơ. Rắc một chút muối và tiêu xay vào món tôm nhé. Khi tôm bắt đầu có màu đỏ, hãy đổ nước chanh vào và tiếp tục đảo nhanh tay. Chú ý là chỉnh bếp ở mức nóng vừa thôi, không để ở mức cao nhất nhé (ví dụ bếp hồng ngoại nhà mình có 9 cấp độ thì mình sẽ đặt ở cấp 7). Khi thấy tôm đã chín đều, đỏ đều, hãy đổ nguyên hộp cooking cream 200ml vô và tiếp tục đảo. Khi cooking cream bắt đầu sôi lục bục và bắt đầu sệt lại, thì đổ mì vô chảo và đảo đều cho sốt kem quện vào sợi mì. Lúc này, lại rắc thêm chút muối cho món ăn đậm đà hơn. Cuối cùng, rắc một ít phô mai vào chảo và đảo đều cho tất cả các thành phần trong chảo dính quện vào nhau rồi bắc chảo liền ra khỏi bếp. Vậy là món mì tôm của bạn đã hoàn thành rồi đó.

Món mì này sẽ rất hợp với rau Italian parsley, hay còn gọi là ngò tây, ngò xoăn. Cắt nhỏ một ít rắc lên trên sẽ khiến cho món tôm thơm ngon và hấp dẫn hơn rất nhiều. Tuy nhiên cái rau này khá là khó mua nên mình cũng lười kiếm, toàn bỏ qua thôi.

Vậy là xong rồi đó, mời bạn cùng thưởng thức món mì Ý với tôm sú sốt kem bơ chanh.

Ăn mì no rồi, chúng mình lại cùng nói chút chuyện chữ nghĩa nhỉ.

Ở một thời điểm nào đó đầu năm 2006, khi cái blog khốn khổ trên Yahoo!360 của tôi đã được đông đảo các bạn độc giả đón nhận mỗi ngày khiến cho tôi vô cùng vui sướng, tôi đã từng nửa đùa nửa thật nói với mẹ. “Thôi con đổi nghề đi làm nhà văn đây mẹ nhé.”

Mẹ tôi cười lớn, “Cũng được, nhưng thế thì con hãy ước cho mẹ sống khoẻ và kiếm được tiền đến tận 85 tuổi đi.”

“Ủa, để làm gì hả mẹ?” Tôi ngơ ngác hỏi thật lòng.

“Thì để mẹ đủ sức mà nuôi con cho đến khi con đủ 60 tuổi, rồi hai mẹ con dắt tay nhau đi là vừa. Chứ chữ ở cái đất nước này rẻ lắm, làm nhà văn có mà chết đói con à.”

Tôi im lặng không đáp lời mẹ. Quả thật là lúc đó tôi không biết phải trả lời mẹ thế nào, bởi căn bản là tôi không thể hiểu được câu nói của mẹ, “chữ ở cái đất nước này rẻ lắm”. Chữ rẻ lắm là thế nào nhỉ, tôi nghĩ. Tôi giữ câu nói đó lại trong lòng, và tiếp tục say mê viết.

Những tháng ngày tiếp theo là những tháng ngày ngập tràn hạnh phúc. Tạp chí online Ngôi Sao của VNExpress đều đặn đăng lại những bài viết hot nhất trên blog của tôi. Tôi nhận được những lời mời xuất bản sách. Tôi được nhận ra, được chào đón ở hầu hết những nơi tôi đến. Nói theo đúng ngôn ngữ bây giờ, tôi lúc đó đã chạm tới ngưỡng cửa của việc trở thành một ngôi sao mạng xã hội. Câu nói “chữ rẻ lắm” của mẹ ngày càng chìm sâu trong trí nhớ của tôi. Một cách chân thành, tại thời điểm đó, tôi không hề cảm thấy “chữ” của mình rẻ. Và điều đó khiến tôi vui vẻ.

Rồi tôi lần lượt gặp gỡ với các nhà xuất bản. Tôi cũng có dịp cà phê cà pháo với những người bạn nhà báo mạng phụ trách việc đăng tải những bài viết của tôi. Với tôi, họ là những người yêu chữ, y như tôi, và ngay cả trước khi gặp gỡ và quen biết với họ, tôi đã yêu mến họ vì điều đó.

Thế nhưng, khi đã gặp gỡ, đã quen biết, một cách vô tình, tôi lại ngỡ ngàng tìm thấy một điểm tương đồng ở tất cả bọn họ, một đặc điểm khiến lòng tôi chùng xuống khi nghĩ về nó: họ đều rất nghèo. Họ đều yêu chữ bằng tất cả sự cuồng nhiệt tuổi trẻ của mình, và họ đều rất nghèo. Cái nhà xuất bản đáng thương mà tôi chọn làm đối tác cho cuốn sách đầu tiên của mình còn nghèo nàn đến mức, dù tiền tác quyền họ trả cho cuốn sách của tôi đã vô cùng rẻ mạt, tính ra chưa bằng 1/3 thu nhập mỗi tháng của tôi khi đó, thế nhưng cuối cùng họ cũng chỉ trả được tôi có một nửa bằng tiền mặt, một nửa còn lại họ phải trả bằng một lượng lớn bản in của cuốn sách để tôi mang đi tặng người thân. Tôi đã thật sự hốt hoảng: cái thế giới yêu chữ nghĩa của tôi, của chúng tôi, lại nghèo nàn tới mức thê lương như vậy sao?

Cuối cùng, tôi cũng bắt đầu hiểu được cái ý nghĩa của câu nói của mẹ, “chữ ở đất nước này rẻ lắm”…

Và rồi tôi nhận ra, tất cả những sự “vui vẻ” mà tôi đã nhận được từ việc trở thành ngôi sao mạng xã hội của mình đều chỉ là những niềm vui mà thôi. Không có niềm vui nào trong số đó có thể quy ra thành thóc cả. Giấc mơ trở thành nhà văn của tôi nhanh chóng vỡ vụn như một quả bong bóng xà phòng. Tôi mang theo sự ấm ức và không cam tâm của thất bại đầu đời đó theo mình sang London, cuộc chạy trốn của tôi. Có lẽ cũng vì sự ám ảnh dai dẳng của lần thất bại đó mà những bài viết trong khoảng thời gian mới sang London của tôi trở nên đen tối hơn hẳn. Tôi trở nên đanh đá hơn, chao chát hơn. Từ ngữ của tôi cũng trở nên sắc sảo hơn. Tôi bắt đầu viết để trả thù, viết để trút giận. Từng câu, từng chữ của tôi được mài giũa trong bóng đêm của căn phòng tối cô đơn nơi xứ lạnh như những con dao găm được mài trên những tảng đá lạnh buốt của phương Bắc, khi cứa vào cổ họng còn mang theo cái hơi lạnh thấu tim như muốn đông đặc cả dòng máu còn chưa kịp ào ạt tuôn ra. Từ một chàng trai trẻ trung, yêu đời, yêu người, tràn đầy hy vọng vào cuộc sống, tôi trở nên uể oải, rũ rượi, lạc lõng và mệt mỏi. Từ một con người vui vẻ và hồn nhiên, tôi trở nên gắt gỏng và bẳn tính. Và từ một người viết để thu hút, tôi trở thành người viết để xua đuổi.

Như một cú tát của cuộc sống, bởi vì nó vốn chẳng bao giờ muốn ai được hài lòng, cái văn phong gắt gỏng và xua đuổi này của tôi lại trở thành “mới mẻ”, được mọi người hồ hởi đón nhận. Kết cục, tôi lại phải tiếp tục cố gắng giữ cho mình cái bộ mặt gượng gạo của một kẻ muốn trốn đi không được, muốn ở lại chẳng xong. Vậy nhưng, tôi lại lo hão rồi…

Đúng như cái câu nói “chữ rẻ lắm” đầy ám ảnh của mẹ, chẳng mấy chốc, Yahoo!360 và cái phong trào nhiều chữ đi kèm nó cũng trở nên lỗi mốt. Thế giới, tại thời điểm đó, hẳn đã rất sẵn sàng cho Instagram, thậm chí là cả Vine và Tiktok ý chứ. Tôi, và chữ của tôi, cuối cùng cũng được buông tha, để tôi có thể thoả thích lăn lê trong niềm đam mê mới của mình: nhiếp ảnh.

Thế mà bạn có biết không, tính từ thời điểm đó cho đến tận bây giờ, dù bản thân tôi là một bể kiến thức và người ta có thể hỏi tôi bất cứ cái gì, thì câu hỏi mà tôi vẫn luôn nhận được nhiều nhất là, sao anh không tiếp tục viết? Tôi luôn trả lời bằng một nụ cười trừ. Thật lòng thì tôi cũng muốn trả lời lắm, rằng anh thực sự vô cùng thèm viết, và anh vẫn luôn ước ao về những cuốn tiểu thuyết đóng tên anh. Nhưng ai sẽ nuôi anh để anh ngồi viết bây giờ? Không lẽ bắt mẹ anh nuôi anh thật? Và rồi em sẽ cãi lại, em bảo, anh không thấy bây giờ đầy các tác giả trẻ Việt Nam thực sự kiếm được tiền từ việc viết lách kìa! Thật sao? Em nghĩ thế thật sao? Theo như anh thấy từ một vài tác giả trẻ anh biết thì nguồn thu chủ yếu của họ đến từ cái facebook đầy rác thải PR quảng cáo rẻ tiền và nhảm nhí của họ đấy chứ.

Vậy anh không nhớ viết sao? Anh không thèm viết sao? Em hỏi.

Có chứ. Anh trầm ngâm một lúc, rồi mới trả lời. Cái thứ anh có sẵn nhất, có nhiều nhất, chính là chữ. Chữ trong anh đầy đến tràn trề. Nhưng em có biết không, nếu so với cái buổi chiều đẹp trời năm 2006 đó, cái ngày lần đầu tiên mẹ anh nói với anh cái câu, “Chữ ở đất nước này rẻ lắm con ạ”, thì bây giờ, 14 năm sau, giá trị của chữ ở cái đất nước này có lẽ đã giảm thêm được khoảng 100 lần nữa rồi. Giờ thì đừng nói là anh kiếm sống bằng chữ, chỉ tặng không, biếu không, còn chẳng ai thèm. Có lẽ người ta còn cười anh là đồ lạc hậu, thời buổi bây giờ phải Tiktok, Youtube, Instagram chứ, ai còn đọc nữa mà chữ với chả nghĩa…

Cái cảm giác, thứ mình yêu quý nhất, có sẵn nhiều nhất, cũng là thứ mình cảm thấy có giá trị nhất của bản thân, nhưng lại chẳng ai thèm cả, là cái cảm giác như thế nào nhỉ? Em bâng quơ thả câu hỏi vào không gian trước mặt, chỉ có đuôi mắt là hơi nhếch lên khe khẽ liếc về phía anh…

Anh trả lời em bằng một nụ cười trừ.